TRỒNG TRỌT - BẢO VỆ THỰC VẬT

+A =A -A

Hợp tác xã ngành hàng xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa

Thứ Năm, Ngày 11/10/2018
Hợp tác xã ngành hàng đang là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt thể hiện ưu điểm vượt trội đó là phát triển sản xuất theo mệnh lệnh thị trường, đẩy mạnh xúc tiến liên kết, gắn chặt sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Đó là tiền đề thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh có tiềm năng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất, mang tính đột phá theo hướng hàng hóa bền vững; góp phần tăng giá trị gia tăng nhờ hàng hóa có xuất xứ, thuận lợi truy xuất nguồn gốc, tạo sản phẩm có thương hiệu, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất tập trung, theo kế hoạch, theo đơn đặt hàng.
   

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số loại hình về HTX ngành hàng: Thủy sản, nấm, rau an toàn, sinh dược, cây ăn quả, chiếu cói, chế tác đá mỹ nghệ, chăn nuôi gia súc... Đến ngày 30/6/2018 toàn tỉnh thành lập được 49 HTX chuyên ngành trong đó có 46 đang hoạt động, (3 HTX đang tạm dừng hoạt động là HTX chăn nuôi Thiên Sáng, HTX SXDV Thanh niên Thượng Kiệm, HTX nấm Hồng Ngọc). HTX chuyên ngành theo lĩnh vực sản xuất: 21 HTX trồng trọt, 8 HTX chăn nuôi, 7 HTX nông trồng thủy sản, 1 HTX Khai thác thủy sản và 12 HTX kinh doanh tổng hợp. Phân loại theo địa bàn: Tp Ninh Bình có 2 HTX, Huyện Yên Khánh có 6 HTX, TP Tam Điệp 5 HTX, huyện Nho Quan có 7 HTX, huyện Gia Viễn có 11 HTX, huyện Kim Sơn 10 HTX, huyện Yên Mô 6 HTX, huyện Hoa Lư 1 HTX.

 

Với tư cách pháp nhân hợp pháp, quy mô chuyên sâu, chuyên ngành từng lĩnh vực sản xuất, HTX ngành hàng tập trung tiếp cận bài toán kinh tế theo hướng làm sao tăng được giá trị gia tăng và lợi nhuận trên cơ sở giảm được giá thành đầu vào, giảm các chi phí trung gian trong quá trình sản xuất, tiêu thụ. Sự hình thành và phát triển HTX theo chuỗi ngành hàng đã và đang dần khẳng định vai trò thiết yếu trong việc liên kết hộ nông dân đi lên sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đặc biệt tạo ra sức cạnh tranh hàng hóa và chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Phạm Văn Thẫn, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành chia sẻ: Để phát triển hiệu quả và bền vững thì mô hình HTX phải được hình thành trên nguyên tắc tự nguyện, trách nhiệm và vì lợi ích chung. HTX hoạt động theo mô hình mới, các thành viên trong HTX góp vốn để sản xuất kinh doanh theo hình thức cổ đông. Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chính là người có tỷ lệ góp vốn về tư liệu sản xuất nhiều nhất, tỷ lệ góp vốn để sản xuất và kinh doanh phải cao nhất trong nhóm thành viên, là người có năng lực, uy tín cao nhất trong nhóm sản xuất đưa ra các quyết định đúng, sáng suốt để điều hành, mang lại lợi ích cho HTX.

 

Mô hình nêu cao trách nhiệm cá nhân (trách nhiệm về tỷ lệ góp vốn, ký kết hợp đồng, đặc biệt là trách nhiệm với pháp luật) thông qua hình thức gắn kết chặt chẽ giữa trách nhiệm và quyền lợi từ cao xuống thấp của của Chủ tịch HĐQT, Giám Đốc, Ban quản trị HTX đối với lợi ích chung của toàn HTX. Hoạt động với phương án sản xuất tối ưu, khép kín từ đầu đến cuối; khắc phục được tình trạng quản lý chung chung của các HTX nông nghiệp. Ngay sau khi Đại hội, HTX ngành hàng đã phải có phương án tổ chức sản xuất cho từng giai đoạn, từng mùa vụ kỹ lưỡng, tỉ mỉ, chi tiết có tính khả thi đối với yêu cầu thị trường và nhu cầu sản xuất của từng thành viên trong HTX.

 

Ban quản trị HTX đủ năng lực, uy tín đại diện các thành viên để đàm phán mua trực tiếp các vật tư đầu vào cho khâu sản xuất, giảm tối thiểu chi phí trung gian từ đó giảm chi phí đầu vào, góp phần giảm giá thành sản xuất. Việc cung ứng vật tư, HTX không thu lợi nhuận từ chênh giá trong giao dịch vật tư đầu vào mà nguồn thu được hình thành từ lợi nhuận tăng thêm sau khi tham gia sản xuất mang lại (do giảm chi phí vật tư đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng gia trị sản phẩm, tăng giá bán). Điều này tạo nên hiệu quả rõ nét trong mô hình HTX kiểu mới, tạo sự đồng thuận cao, tin tưởng tuyệt đối của các thành viên đối với người đứng đầu vì chỉ khi sản xuất kinh doanh có hiệu quả, mới có lợi nhuận. Lợi nhuận trong tổ chức sản xuất và kinh doanh của HTX được phân phối theo phần trăm vốn góp của các cổ đông, do Đại hội xã viên quyết định theo phương thức bàn thảo dân chủ, công khai, tự nguyện. Việc trả thù lao cho HĐQT, Ban Giám Đốc sẽ được gia tăng theo lợi nhuận, vì vậy sẽ khuyến khích được trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Đồng thời đây cũng là động lực để cho mọi xã viên đều cố gắng, toàn tâm toàn lực tổ chức sản xuất để đạt lợi nhuận cao nhất.

 


    Theo ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó phòng Nông nghiệp huyện Yên Khánh, với mô hình tổ chức sản xuất chuyên sâu từng nhóm lĩnh vực, mặt hàng sản xuất hợp tác xã ngành hàng là mô hình hiệu quả hoạt động theo phương thức mới, rất thuận lợi cho việc ứng dụng đồng bộ quy trình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa tập trung, từng bước đầu tư, tích lũy để hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ kết cấu hạ tầng cũng như áp dụng khoa học-kỹ thuật vào thâm canh, xây dựng sản xuất theo các quy trình chuẩn, tạo vùng sản xuất hàng hóa với giá trị sản phẩm cao, giá bán sản phẩm cao hơn, sản phẩm có thương hiệu để tiếp cận thị trường lớn thông qua ký hợp đồng, cơ hội tiêu thụ sản phẩm ổn định. Đây là xu thế tất yếu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiêp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất, tiên tiến, bề vững.

 

Việc thành lập HTX ngành hàng là tất yếu để tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng liên kết, thay thế cho mô hình kinh tế hộ, tổ hợp tác. Tuy nhiên, để tổ chức sản xuất lớn (mô hình HTX) và thay đổi tư duy của người nông dân đang là những vấn đề cần tháo gỡ trong phát triển nông nghiệp thời gian tới. Cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, tự nguyên tham gia phát triển kinh tế tập thể theo hình thức mới, góp phần tăng thu nhập, giúp người dân liên kết trong sản xuất đạt hiệu quả hơn, gắn với tiêu thụ sản phẩm ổn định, mang tính bền vững. Bên cạnh đó, các HTX cần phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cho xã viên. Muốn HTX phát triển phải đặt mục tiêu “thương hiệu - thương mại” làm đầu; sản xuất phải “sạch”, sản xuất phải theo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn VietGap, GobalGap... đi kèm nhãn hiệu hoàn chỉnh, truy xuất nguồn gốc càng sâu càng tốt. Chỉ có như vậy mới có thể gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.
 

 

 

 Người viết bài


 Nguyễn Thị Dịu


            

 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3693512
Số người trực tuyến:17
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn