THUỶ SẢN

+A =A -A

Một số bài thuốc từ thảo mộc dùng để phòng chữa bệnh cho đối tượng nuôi thủy sản

Thứ Tư, Ngày 17/10/2018
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình các mô hình nuôi thủy sản theo hướng thâm canh đang phát triển khá mạnh.  Các mô hình này nuôi với mật độ khá cao nên tại một số thời điểm thời tiết không thuận lợi dịch bệnh dễ phát sinh gây hại cho đối tượng nuôi

 

Ngoài việc sử dụng một số loại thuốc kháng sinh và hóa chất để phòng và trị bệnh thì việc sử dụng một số thảo dược để phòng trị bệnh mang  lại hiệu  quả khá cao.Việc sử dụng thảo dược để phòng trị bệnh thủy sản thì sản phẩm thủy sản không bị tồn dư thuốc kháng sinh và hóa chất. Chi cục Thủy sản xin được giới thiệu một số bài thuốc hay từ các loại cây thảo dược đã được bà con nông dân sử dụng hiệu quả để phòng và trị một số bệnh cho vật nuôi thủy sản như sau:


   Lá xoan (MeliaazedarachL): Vỏ và lá xoan có vị đắng, ngâm dưới nước có màu đen. Có tác dụng diệt trùng mỏ neo và trùng bánh xe đạt kết quả tốt.
Cách dùng: Cành lá xoan non bó thành bó ngâm trong ao nuôi cá đang có bệnh trùng mỏ neo, trùng bánh xe, cũng có thể ngâm trong lồng nuôi cá ở phía đầu nguồn nước với lượng 150 – 200 kg lá xoan/1.000 m2 ao có mực nước 1,5 – 2 m hoặc 20 – 25 kg lá xoan/lồng 8 m3 đến khi thấy lá xoan bị hoai mục thì vớt cành ra khỏi ao; Có thể dùng lá xoan để phòng bệnh cho cá bằng cách trong quá trình nuôi định kỳ 15 ngày ngâm lá xoan trong ao một lần với liều lượng 100 kg cành lá xoan/1000 m2 ao; Có thể bón lót xuống ao với liều 0,3 kg/m3 trước khi thả cá vào ao ương 3 ngày có thể phòng và trị ký sinh trùng thuộc ngành nguyên sinh động vật như: Trichodina, Cryptobia ký sinh trên cá hương, cá giống.


   Lá đu đủ tía (Ricinus communis L): Lá có chứa chất đắng, thường dùng để chữa bệnh loét mang, đốm đỏ ở cá.
Cách dùng: Lấy lá thầu dầu bó thành bó ngâm xuống ao với lượng 250 – 300 kg lá/ha ao nước sâu 1,5 – 2 m. Đối với lồng nuôi cá ngâm 15 – 20 kg lá/8–10 m3 lồng. Có thể dùng lá đu đủ tía để phòng bệnh cho cá bằng cách trong quá trình nuôi định kỳ 15 ngày ngâm lá đu đủ tía trong ao một lần với liều lượng 15 kg cành lá đu dủ tía/1000 m2 ao.
   Rau sam (Portulaca Oleracea L): Rau sam thường dùng chữa bệnh viêm ruột do vi khuẩn cho cá trắm cỏ.
Cách dùng: Rửa rau bằng nước sạch rồi rửa lại bằng nước muối 3%, sau đó thả rau vào khung cho cá ăn, mỗi ngày cho ăn một lần, liên tục trong 5 – 7 ngày với 1,5 – 3 kg rau/100 kg cá. Đối với cá giống, cần băm nhỏ rau rắc đều trên mặt ao. Chú ý để cá thật đói rồi cho ăn rau sam. Có thể dùng rau sam để phòng bệnh bằng cách trong quá trình nuôi định kỳ cho cá ăn một lần với liều lượng 1 kg rau sam/100 kg cá.


   Tỏi (Allium sativum L): Thành phần kháng khuẩn của tỏi chủ yếu là chất alixin (C6H10OS2), là chất kháng khuẩn mạnh, có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn như: thương hàn, phó thương hàn, lị, tả, trực khuẩn, bạch cầu, vi khuẩn gây thoái rửa.
Cách dùng: Dùng tỏi trị bệnh viêm ruột của cá do vi khuẩn gây ra mỗi ngày dùng 50g củ tỏi nghiền nát dùng cho 10 kg cá ăn liên tục trong 5 – 7 ngày. Tỏi dùng trị bệnh đường ruột của tôm nuôi (bệnh phân trắng, ăn mòn vỏ kitin …) dùng 10-15 g tỏi tươi/kg thức ăn tôm/ngày, nghiền nát hoà với nước trộn đều với thức ăn, mỗi tháng cho ăn một đợt 5 ngày liên tục. Năm 1993, Phòng Bệnh Thủy sản Viện Nuôi trồng Thủy sản I kết hợp với phòng dược liệu - Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật đã dùng bột tỏi khô phối chế với một số cây thuốc: cỏ nhọ nồi, sài đất, chó đẻ răng cưa … thành thuốc chửa bệnh đốm đỏ, xuất huyết, nấm mang. Kết quả thuốc đã phòng trị được bệnh trên 90%.


    Cây cỏ mực (Eclipta prostrata L): Loại cây thường mọc ở ven bờ ruộng, có hoa màu trắng, lá nhọn. Lá cỏ mực dùng để rà miệng cho trẻ sơ sinh, trừ đẹn, sạch miệng. Cây cỏ mực kết hợp với lá trầu dùng để trị bệnh ký sinh trùng.
Cách dùng: Thay nước mới cho ao sau đó dùng 10 g cỏ mực, 10 g lá trầu đem giả nát vắt lấy nước cho thêm 3 g dầu mực trộn đều với 1 kg thức ăn, cho cá ăn từ 1 – 3 lần/ ngày.
    Cây tía tô: Trong nuôi trồng thủy sản, thường dùng cây này để chữa bệnh đường ruột cho cá trắm cỏ.
 Cách dùng: Thân và lá cây băm nhỏ nấu kỹ, lấy nước trộn với thức ăn tinh rồi cho cá ăn, lượng 0,2 – 0,5 kg lá tía đỏ/1kg thức ăn, cho cá ăn liên tục 3 – 5 ngày.


   Cây cỏ sữa lá nhỏ (Euphorbia thymifolia Buron): Trong thân và lá có Cosmosiin (C21 H20O10) chừng 0,037 %, trong rễ cây có Taracerol (C30H50O) toàn thân cây cỏ sữa có ancaloit. Theo Copacdinxki, 1947 chất nhựa mủ của cây cỏ sữa gây hỏng niêm mạc và gây độc với cá. Theo tài liệu nước ngoài, cây cỏ sữa có phổ kháng khuẩn rộng, có tác dụng ngưng máu, trung hoà độc tố. Dùng toàn thân cây để trị bệnh viêm ruột, thoái hoá mang cá do vi khuẩn gây ra.
Liều dùng: 50 g cây cỏ sữa khô hoặc 200 cây tươi được giã thành bột + 20 gram muối cho 10 kg trọng lượng cá ăn trong một ngày, ăn liên tục 3 ngày.


   Cây sài đất (Weledia calendulacea (L): Năm 1992, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã thư nghiệm trên vi khuẩn Aeromonas hydrophyla gây bệnh nhiêm trùng xuất huyết đốm đỏ ở cá trắm cỏ nuôi lồng, đường kính vòng mẫn cảm đối vơi dung dịch chiết từ cây sài đất từ 11-20mm. Kết quả tác dụng của các chiết xuất từ Sài đất đều có tác dụng với 6 loài vi khuẩn (Vibrio parahaemolyticus, V. harveyi, V. alginolyticus, Aeromonas hydrophila, Edwardsiella tarda và Hafnia alvei) gây bệnh trên cá nước ngọt và nước mặn. Hiện nay, cây Sài đất được phơi khô nghiền thành bột, phối chế thành thuốc trị bệnh cá. Cách dùng tươi: 3,5-5 kg giã lấy nước trộn với thức ăn cho 100 kg cá/ngày, ăn trong 7 ngày.


   Cây cau (Areca catechu L): Hoạt chất chính trong hạt cau là 4 Ancaloit: Arecolin (C8H13NO2), Arecaidin (C7H11NO2), Guracin (C6HgNO2), Guvacolin (C7H11NO2). Trong hạt cau Arecolin chiếm 0,1-0,5% Oxy nguyên tử oxy hoá tế bào ký sinh trùng làm tê liệt thần kinh của gian sán, làm tê liệt cả cơ trơn nên gian sán không bám được vào thành ruột và bị đẩy ra ngoài.
Cách dùng: Theo Bùi Quang Tề, hạt cau có thể sùng chửa bệnh giun tròn (Spinitectus clariasi) ký sinh trong ruột cá với liều sử dụng 4 hạt cau/kg cá/ngày. Ăn liên tục 3 ngày. Trị bệnh sán dây ký sinh trong ruột cá trắm cỏ. Liều dùng 1hạt cau/2 kg cá trắm cỏ, ăn liên tục 7 ngày.


    Hạt bí ngô (Cucurbita pepo L): Thành phần hoá học chưa được khẳng định. Nhưng qua thực nghiệm, hạt bí ngô có tác dụng làm tê liệt phần giữa của giun sán, từ đó giun sán bị đào thải ra ngoài.
Cách dùng: Nghiền hạt bí ngô  thành bột trộn với thức ăn cho cá với tỷ lệ 1: 2 cho ăn liên tục trong 3 ngày.


    Dây thuốc cá (Derris spp): Dây thuốc cá có hoạt chất chính là Rotenon, loại hoạt chất này chỉ độc đối với động vật máu lạnh, không độc với người, giáp xác nhưng rất độc với cá. Nghiền rễ cây thuốc cá với nước với liều 1‰ làm cá bị say, nếu liều cao hơn làm cá chết.
Cách dùng: Ở nước ta, thường dùng rễ cây thuốc cá để cá diệt tạp trong ao ương nuôi tôm giống, tôm thương phẩm. Đập dập cây thuốc cá cho ra chất nhựa trắng, để nước trong ai sâu 15-20 cm, tạt nước ngâm rễ cây thuốc cá, sau 5-10 cá tạp nổi lên hết. Liều thường dùng là 3-5 kg rễ cho 1.000 m3 nước./.

 

 

 

   Người viết bài  

                                        

Nguyễn Minh Huệ
 


            

 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3688622
Số người trực tuyến:25
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn