THANH TRA

+A =A -A

Một số điểm mới quan trọng của Luật Tố cáo 2018

Thứ Năm, Ngày 22/11/2018

Luật Tố cáo 2018 được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011. Luật có 9 Chương và 67 Điều. So với Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 có nhiều điểm mới, một số điểm đáng chú ý, đó là:
    Thứ nhất: Luật Tố cáo 2018 bổ sung việc phân loại hành vi tố cáo, gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà quy định hiện hành không có nội dung này (khoản 1, Điều 2, Luật Tố cáo 2018).
    Thứ hai: Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo như: cản trở, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo, làm mất hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo (Điều 8, Luật Tố cáo 2018)
    Thứ ba: Bổ sung Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo (Điều 9, 10, 11 Luật Tố cáo 2018):
-  Bổ sung Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo quyền rút tố cáo; Nghĩa vụ hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu
     - Bổ sung Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo quyền: Được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; Khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ: Có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo
     - Bổ sung Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo: Yêu cầu người bị tố cáo đến làm việc; Thông báo cho người tố cáo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; Thông báo cho người bị tố cáo về nội dung tố cáo, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo;
     Thứ tư, bổ sung các quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo (Điều 12).
Luật Tố cáo 2011, không quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết đối với các trường hợp sau: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể. Chính vì vậy, việc xác định thẩm quyền giải quyết các tố cáo này trong thời gian qua có những khó khăn, lúng túng, không cụ thể nên ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo.
Lần này, Luật Tố cáo 2018 đã bổ sung thêm các nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các trường hợp nêu trên để khắc phục những hạn chế của Luật Tố cáo 2011 và đáp ứng yêu cầu giải quyết tố cáo trong thời gian đến.
Thứ năm, Luật Tố cáo 2018 giảm thời gian xử lý ban đầu thông tin tố cáo (Điều 24, Luật Tố cáo 2018):
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh; Có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc
Trong khi Quy định hiện hành là 10 ngày có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày làm việc
 Bổ sung Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý. Quy định hiện hành thì không quy định nội dung này
    Thứ sáu: Bổ sung quy định về: Tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo; Tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến. Trong khi quy định hiện hành: không  quy định nội dung này. (Điều 25, 26 Luật tố cáo 2018)    .
Thứ bảy, là rút gọn trình tự giải quyết tố cáo :
Theo quy định của Luật Tố cáo 2011 thì quy trình giải quyết tố cáo có 05 bước, đó là: Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo; Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
Tại Điều 28, Luật Tố cáo 2018, trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại chỉ còn 04 bước, thay vì 05 bước như nêu ở trên, bao gồm; Thụ lý tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
Thứ tám, là rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo (Điều 30, Luật Tố cáo 2018). :
Luật Tố cáo 2011 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.
Để việc giải quyết được kịp thời, nhanh chóng theo đúng nguyên tắc quy định tại Điều 4, Luật Tố cáo 2018 đã rút ngắn lại quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo; Trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày
Thứ chín, bổ sung quy định về việc cho phép rút tố cáo:
Luật Tố cáo 2011 không quy định việc rút tố cáo. Vì vậy trên thực tế nhiều trường hợp người tố cáo nhận thức được việc tố cáo của mình không đúng nên rút tố cáo nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn phải thụ lý giải quyết tố cáo, điều này làm mất rất nhiều thời gian, công sức của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Vì vậy, Điều 33 Luật Tố cáo 2018 đã bổ sung quy định về việc rút tố cáo, đó là người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thứ mười, bổ sung quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo
Luật Tố cáo 2011 không quy định về điều này, còn Điều 34 Luật Tố cáo 2018 đã cho phép người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại.
Còn việc đình chỉ giải quyết tố cáo được thực hiện khi: Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; Người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền…
Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo theo quy định nêu trên phải nêu rõ lý do, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và gửi đến người tố cáo, người bị tố cáo trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.
Thứ mười một: Bổ sung nội dung quy định về Kết luận nội dung tố cáo (điều 35 Luật tố cáo 2018)
Kết luận nội dung tố cáo phải có các nội dung chính: Căn cứ pháp luật để xác định có hay không có hành vi vi phạm pháp luật; Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong khi Quy định hiện hành: Không có nội dung này
Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo. Luật Tố cáo 2011 không quy định về thời gian giải quyết
Thứ mười hai: bổ sung những quy định quan trọng về việc bảo vệ người tố cáo
Luật Tố cáo 2018 tiếp tục dành một chương quy định về bảo vệ người tố cáo (từ Điều 47 điến Điều 58).
Điều 47 của Luật Tố cáo 2018 định nghĩa rất rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo. Bảo vệ các đối tượng vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ). Quy định hiện hành: Quy định là người thân thích một cách chung chung; Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ. Quy định hiện hành: Không có nội dung này.
Điều 49 của Luật Tố cáo 2018 quy định rất rõ cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ và trách nhiệm của các cơ quan này. Đây là điểm mới so với Luật Tố cáo năm 2011.
Từ Điều 50 đến Điều 55 của Luật Tố cáo 2018 quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục bảo vệ khi người tố cáo có văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ. Đây là điểm mới rất quan trọng, bởi vì quy định trách nhiệm của người giải quyết tố cáo và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Về các biện pháp bảo vệ, khác với Luật Tố cáo 2011, Luật Tố cáo 2018 quy định 03 biện pháp bảo vệ đó là: Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin (Điều 56); Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm (Điều 57); Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm (Điều 58)./.

 

 

       

 

         Viết bài



Phạm Thị Bích Liên

 


            

 CÁC TIN KHÁC

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA NĂM 2023
Một số khác biệt cơ bản giữa quy định của Luật Thanh tra 2022 so với Luật Thanh tra 2010 đối với cuộc thanh tra do cấp Sở và huyện tiến hành
Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch Tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Sở Nông nghiệp và PTNT
Hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định Số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực pháp luật
Một số điểm nổi bật quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018
LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3687672
Số người trực tuyến:26
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn