CHĂN NUÔI - THÚ Y

+A =A -A

Một số giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăn nuôi

Thứ Tư, Ngày 16/01/2019
Trong những năm gần đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ta đã có những bước tiến mạnh mẽ từ nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức gia trại, trang trại quy mô lớn và từng bước hiện đại.

Hình ảnh: Trang trại nuôi lợn thịt nhà ông Phạm Văn Duy – Khánh Trung – Yên Khánh – Ninh Bình

 

Hiện nay tổng số trang trại chăn nuôi tỉnh ta là 201 trang trại trong đó một số trang trại đã ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa vào sản xuất và quản lý mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi trong tỉnh còn chứa ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch bệnh do thời tiết khí hậu thất thường, chăn nuôi nông hộ còn nhiều, việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm ngày càng tăng, môi trường vẫn còn tiềm tàng mầm bệnh… Để nâng cao hiệu quả người chăn nuôi cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật sau đây:

 

1. Giữ môi trường chăn nuôi tốt
Khi đầu tư dự án chăn nuôi, khu vực chăn nuôi phải có đủ diện tích cần thiết, địa điểm xa khu dân cư, cao ráo, dễ thoát nước khi trời mưa, có tường rào hoặc lưới bao quanh; thiết kế hướng chuồng tốt (hướng nam hoặc đông nam) nếu thiết kế chuồng hở, ấm về mùa đông, thoáng về mùa hè. Tạo tiểu khí hậu tốt trong khu vực chăn nuôi bằng việc trồng nhiều cây xanh tạo bóng mát, có hồ nước để điều hòa nhiệt độ khu vực chăn nuôi. Việc thực hiện chăn nuôi kết hợp như “ vườn, ao, chuồng” hoặc chăn nuôi khép kín như “ trồng cỏ, nuôi bò” là rất tốt, vừa tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong sản xuất, vừa bảo vệ môi trường chăn nuôi, giảm thiểu bệnh tật.
Nếu chăn nuôi gia trại ngay trong khuôn viên đất của gia đình, nên xây chuồng phía cuối mảnh đất để chuồng trại cách xa nhà nhất trong điều kiện có thể và có tường, lưới bao quanh.
Trong quá trình chăn nuôi, công tác vệ sinh tiêu độc thực hiện thường xuyên nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Thực hiện thu gom chất thải hàng ngày ngày để xử lý, có thể xây hố để ủ phân bằng việc trộn phân với vôi ủ làm phân bón hoặc xây bể bioga để tận dụng nguồn năng lượng…; tổ chức tiêu độc môi trường bằng việc thường xuyên dùng vôi bột rải quanh khu vực chuồng nuôi và trước mỗi dãy chuồng; sử dụng các loại hóa chất tiêu độc an toàn để phun tiêu độc 1 lần/tuần.


2. Quản lý ra vào khu vực chăn nuôi tốt
Tất cả mọi thứ ra vào khu vực chăn nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ bởi mầm bệnh có thể lây nhiễm từ bất cứ phương tiện, dụng cụ, con người, động vật, thức ăn, nước uống… Nên cố định người chăm sóc, nuôi dưỡng. Khi xuất bán gia súc, gia cầm, tốt nhất thực hiện “ cùng xuất” có đường dẫn gia súc ra khỏi khu vực nuôi để tránh lây lan dịch bệnh; khi nhập giống nuôi mới phải rõ nguồn gốc, xuất phát từ cơ sở chăn nuôi an toàn, được kiểm dịch của cơ quan thú y, tổ chức nuôi cách ly theo dõi trước khi nhập chung đàn.
Ở cổng ra vào cơ sở và ở đầu mỗi dãy chuồng phải bố trí
Ở cổng ra vào cơ sở và ở đầu mỗi dãy chuồng phải bố trí hố khử trùng, thường xuyên bổ sung hóa chất để tăng cường khử trùng.
Mỗi cơ sở chăn nuôi có khu vực riêng để nuôi cách ly khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm; theo dõi, giám sát, điều trị và xử lý dịch bệnh khi cần thiết.
Chủ nuôi cần theo dõi, nắm thông tin tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trong nước trong tỉnh. Khi dịch bệnh có chiều hướng lây lan ở các địa phương, cần tăng cường các giải pháp phòng chống để bảo vệ đàn vật nuôi của mình, đặc biệt quản lý chặt chẽ mọi phương tiện, dụng cụ, con người, động vật… ra, vào cơ sở, tổ chức tiêu độc khu vực chăn nuôi với tần suất dày hơn, theo dõi lâm sàng đàn vật nuôi chặt chẽ để phát hiện nhanh, xử lý gọn nếu dịch bệnh xảy ra.

 

 

Hình ảnh: Trang trại nuôi gà lai chọi nhà ông Vũ Văn Tam – Yên Đồng – Yên Mô- Ninh Bình

 

3. Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt
Chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với quá trình sinh trưởng phát triển của từng loại vật nuôi, từng thời kỳ phát triển của chúng là vô cùng quan trọng; cung cấp đầy đủ thức ăn dễ tiêu, đảm bảo chất lượng và số lượng phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Tuyệt đối không sử dụng những thức ăn ẩm mốc, ôi thiu. Đối với lợn con tập ăn và gia cầm con ở giai đoạn nuôi úm, tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng; với trâu bò cần bổ sung thức ăn tinh kết hợp với thức ăn thô xanh. Chủ động dự trữ thức ăn cho trâu bò vào mùa đông bằng việc ủ chua thức ăn xanh hoặc dự trữ rơm rạ.
Cho vật nuôi uống nước sạch, đối với lợn nên lắp vòi nước tự động. Khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là lúc giao mùa, lúc nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp cần bổ sung thuốc bổ trợ sức, trợ lực như chất điện giải, vitaminC, B- Complex… vào nước uống để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.


4. Tạo miễn dịch chủ động tốt
Tiêm phòng các loại vacxin là biện pháp quan trọng hàng đầu tạo miễn dịch chủ động để bảo vệ đàn vật nuôi. Tùy từng đối tượng vật nuôi để lựa chọn thời điểm tiêm và loại vacxin phù hợp chủng loại mầm bệnh đang lưu hành; việc tiêm phòng vacxin cho vật nuôi được khuyến khích sử dụng càng nhiều loại càng tốt, trong đó có các loại vacxin bắt buộc phải tiêm phòng (được quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn).
Ngoài các loại vacxin tiêm phòng bắt buộc như vắc xin Dại (ở chó), Lở mồm long móng (ở trâu bò, lợn), Dịch tả lợn, Cúm gia cầm; khuyến khích chủ chăn nuôi tổ chức tiêm phòng các bệnh khác như: tai xanh, suyễn, E.coli, circo, parvo,…(ở lợn); tụ huyết trùng, đậu, viêm gan, Gumboro… (ở gia cầm).


5. Chủ động giám sát bệnh tốt
Theo dõi triệu chứng lâm sàng của đàn vật nuôi hàng ngày, kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm có dấu hiệu dịch bệnh để cách ly, khám lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị. Khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm… cần báo ngay với cơ quan Thú y gần nhất để được hướng dẫn và phối hợp khống chế, xử lý theo quy định.

 

     

 

 

 

      Viết bài

 

Lương Thị Minh Hà

 


 


 

 


            

 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3670309
Số người trực tuyến:24
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 3 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 3 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình




Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn