CHĂN NUÔI - THÚ Y

+A =A -A

Liên cầu khuẩn lợn

 Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn, đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn và người là chủ yếu.

Hiện nay, bệnh liên cầu khuẩn ở người đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị. Nguyên nhân được xác định lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn bệnh hoặc qua đường ăn uống. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết.

1. Tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây ra ở lợn và có khả năng lây lan sang người. Ở động vật thì cầu khuẩn lợn cư trú trong đường hô hấp trên, đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân, cũng có thể ở đường tiêu hóa, đường sinh dục của lợn. S.suis còn tồn tại lâu trong phân, nước, rác. Ổ chứa S.suis là lợn nhà, lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim, có thể lây truyền qua gián, chuột, ruồi…

Môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền bệnh. S.suis týp II thường gây bệnh ở người, dễ mắc nhất là những người làm việc trong môi trường liên quan đến lợn. Cách lây qua đường tiêu hóa là chủ yếu. Loại vi khuẩn này cư trú trên cơ thể lợn, kể cả đối với lợn không mắc bệnh cũng có một tỷ lệ nhỏ các con vi khuẩn này ký sinh. Nó ít khi gây bệnh cho người, trừ khi chúng ta ăn các loại thức ăn chưa nấu chín.

2. Đường truyền lây

Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn lây lan sang người theo một trong các cách sau:

- Từ đường ăn uống:

Khi ăn các sản phẩm từ lợn mà chưa được nấu chín như lòng, nem, cháo lòng đặc biệt là tiết canh lợn bị bệnh liên cầu nên vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình qua kiểm tra thực tế cho thấy trên 80% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn do ăn tiết canh. Những thức ăn như, lòng, dồi, tiết canh… luôn luôn có vi trùng liên cầu khuẩn lợn. Trong khi đó nhiều khi thức ăn này không được nấu chín, nên dễ dẫn đến việc lây bệnh.

Nếu lợn nhiễm khuẩn (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Khi thực phẩm đó không được nấu chín kỹ (tiết canh, nem chua, nem chạo…), những người ăn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao (vi khuẩn sống được 10 phút ở nhiệt độ 60oC). Trong các món ăn đó, tiết canh, món chính lây bệnh liên cầu khuẩn lợn sang người, hầu hết bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn là do tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh hoặc ăn thịt lợn chưa chế biến kỹ bao gồm cả tiết canh, nem chua, nem chạo. Đặc biệt khi ăn tiết canh lợn là nơi chứa nhiều vi khuẩn liên cầu lợn nên sẽ tấn công rất nhanh, 16 giờ sau khi ăn là phát bệnh.

-Từ đường tiếp xúc, giết mổ, chăm sóc

Những người có các vết thương, sây sát ở da nhưng lại tiếp súc với máu, dịch tiết… của lợn bị bệnh liên cầu khi chăm sóc, giết mổ lợn, vận chuyển thịt, máu lợn bệnh. trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây nếu có các vết xước chân, tay (ở nhiệt độ 250C, vi khuẩn này sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân). Vi khuẩn cũng xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương rách da nhỏ, vết trầy xước, lở niêm mạc chân răng… hoặc tiếp xúc với con lợn nhiễm bệnh bằng cách chăm sóc, giết mổ, chế biến mà bị xây xước chân tay.

Bình thường loại vi khuẩn S.suis có sẵn trong cổ họng, đường tiêu hóa, đường hô hấp, sinh dục của lợn. Khi chúng mắc bệnh hệ miễn dịch suy giảm và là cơ hội cho loại vi khuẩn này phát triển mạnh. Người tiếp xúc trực tiếp lợi bệnh sẽ bị lây qua các vết thương trên. Vi khuẩn liên cầu lợn bình thường vẫn khu trú sẵn trong họng con lợn.

Người cũng có thể bị bệnh qua đường hô hấp do hít phải liên cầu khuẩn có trong không khí do lợn bệnh ho, hắt hơi bắn ra.

3. Phòng ngừa

- Để phòng tránh được bệnh liên cầu khuẩn lợn, người tiếp xúc với lợn, nhất là lợn bệnh cần thực hiện vệ sinh cá nhân (trang bị bảo hộ lao động, rửa tay chân sau khi tiếp xúc...). Thịt lợn phải được nấu chín trước khi sử dụng, tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn còn sống, gỏi thịt lợn. Sau khi dùng thịt hoặc tiếp xúc với lợn, nếu thấy có triệu chứng sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, đau họng, cần nhập viện ngay. Khi giết mổ hoặc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh phải sử dụng đồ bảo hộ. Tuyệt đối không ăn thịt lợn nhiễm bệnh, thịt chưa nấu chín. Vi khuẩn liên cầu lợn có thể sống 2 tuần trong các chất thải của lợn ngoài môi trường và chỉ chết ở nhiệt độ cao hoặc trong chất sát khuẩn.

- Đối với người chăn nuôi cần khử trùng bằng cách phun hoá chất, vệ sinh cơ giới định kỳ khu vực chuồng trại, nơi giết mổ và những khu vực lân cận, đeo găng tay, giết mổ, chế biến cần đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, những người có vết thương hở, bệnh ngoài da không nên tiếp xúc với lợn hoặc tham gia giết mổ, chế biến. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn ở nơi tin cậy. Tuyệt đối không ăn thịt lợn và nội tạng lợn chưa nấu chín kỹ, tiết canh, nem chua, nem chạo. Không ăn thịt lợn bệnh hay lợn đã chết. Giữ vệ sinh và ăn chín là cách tốt nhất để phòng bệnh liên cầu lợn ở người./.

 

Lương Thị Minh Hà

Phòng Dịch tễ Thú y- Chi cục Thú y

 

 

 

 


            

 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3693114
Số người trực tuyến:19
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn