TIN HOẠT ĐỘNG SỞ

+A =A -A

Thông tin về Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành thuộc tỉnh Ninh Bình

Thứ Năm, Ngày 14/07/2022

 

      1. DDCI là gì?

 

      DDCI (Department and District Competitiveness Index) là bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và Địa phương - được dùng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ngành, địa phương. Đây là bộ chỉ số kép đánh giá hai khối cơ quan trong tỉnh và là một trong các hướng đi mới của bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

 

      2. Mục tiêu đạt được sau khi triển khai bộ chỉ số DDCI?

 

      - Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Ninh Bình (DDCI) được xây dựng nhằm đánh giá mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

 

      - Tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

 

      - Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành.

 

      - Trên cơ sở đó đánh giá công tác điều hành của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành trong năm, đề xuất các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh những năm tiếp theo, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.

 

      3. Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI) thuộc tỉnh Ninh Bình

 

      Theo Quyết định số 589/QĐ-UBND ngày 28/6/2022 của UBND tỉnh về việc sửa đổi bổ sung Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Ninh Bình. Thì chỉ số thành phần và chỉ tiêu đánh giá áp dụng đối với cấp sở, ban, ngành có 9 chỉ số thành phần gồm 51 chỉ tiêu đánh giá:

 

      (1). Đối với chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” có 5 chỉ tiêu cơ sở
      (2). Đối với chỉ số “Tính năng động, tiên phong ” có 6 chỉ tiêu cơ sở
      (3). Đối với chỉ số “Chi phí thời gian” có 10 chỉ tiêu cơ sở
      (4). Đối với chỉ số “Chi phí không chính thức” có 4 chỉ tiêu cơ sở
      (5). Đối với chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” có 3 chỉ tiêu cơ sở
      (6). Đối với chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” có 5 chỉ tiêu cơ sở
      (7). Đối với chỉ số “Thiết chế pháp lý” có 6 chỉ tiêu cơ sở
      (8). Đối với chỉ số “Vai trò của người đứng đầu” có 6 chỉ tiêu cơ sở
      (9). Đối với chỉ số “Quản trị điện tử ” có 6 chỉ tiêu cơ sở

 

      4. Ý nghĩa các chỉ số thành phần DDCI

 

      - Tính minh bạch và tiếp cận thông tin (1): Đề cập tới khả năng doanh nghiệp có thể tìm hiểu, tiếp cận đến những quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển và văn bản pháp lý mang tính chất công khai của sở, ban, ngành và huyện/thành phố cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Sự sẵn có của các loại tài liệu, mức độ tiện dụng của việc tìm kiếm và sự dễ dàng trong tiếp cận thông tin là những yêu cầu cần thiết để đảm bảo cho tính minh bạch. Tính minh bạch khi được đảm bảo sẽ góp phần giảm các chi phí trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, quy định, cũng như giảm các sai sót cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, khi các thông tin được công khai rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp có được sự nhìn nhận đầy đủ hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm bớt tính bất định trong việc thực thi chính sách ở các sở, ban, ngành và huyện/thành phố.

 

      - Tính năng động, tiên phong (2): Đánh giá việc các sở, ban, ngành và huyện/thành phố chủ động, sáng tạo trong quá trình thực thi chủ trương chính sách của UBND tỉnh, trong việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của tỉnh theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, cũng như tính hiệu lực thực thi của các sở, ban, ngành và huyện/thành phố với các chủ trương của lãnh đạo tỉnh.

 

      - Chi phí thời gian (3): Đo lường thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính cũng như mức độ thường xuyên và thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan Nhà nước thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Đây được xem là một chỉ số quan trọng để đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính, nếu đối tượng đánh giá chỉ số này tốt chứng tỏ nỗ lực cải cách của tỉnh đi vào thực chất.

 

      - Chi phí không chính thức (4): Chi phí không chính thức là những khoản chi ngoài quy định mà doanh nghiệp phải trả cho các cán bộ Nhà nước để có thể thực hiện các công việc của họ một cách dễ dàng hơn (biếu tiền, tặng quà, mời tiệc chiêu đãi, lại quả hợp đồng, bồi dưỡng cho cán bộ... ) là những hình thức khác nhau của chi phí không chính thức. Do vậy, chỉ số chi phí không chính thức là công cụ để đo lường các khoản chi phí không chính thức mà các tổ chức kinh doanh phải trả và các trở ngại do những chi phí không chính thức này gây ra đối với hoạt động kinh doanh của họ.

 

      - Cạnh tranh bình đẳng (5): Chỉ số thành phần này đánh giá liệu các doanh nghiệp “sân sau” hoặc “thân hữu” có hiện diện phổ biến tại các cơ quan Nhà nước hay không; Các hình thức đặc quyền, ưu đãi cụ thể khi tiếp cận các nguồn lực cho phát triển như đất đai, tín dụng… và được ưu tiên đối xử trong thực hiện các thủ tục hành chính và chính sách cho các doanh nghiệp thân hữu là gì; Các ưu đãi này tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn ra sao.


      - Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (6): Hỗ trợ kinh doanh là một trong số các chỉ số thành phần được đưa vào bộ công cụ đánh giá chỉ số DDCI.
       Các hoạt động hỗ trợ cho các đối tượng có thể dưới nhiều hình thức khác nhau:


      Hỗ trợ thực hiện thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh; thực thi các chính sách, chương trình hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh và Trung ương, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp... Bên cạnh những hình thức hỗ trợ trực tiếp, các hoạt động đối thoại và giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp cũng góp phần giúp doanh nghiệp nhanh chóng giải quyết được các khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính trong quá trình sản xuất kinh doanh.

 

      - Thiết chế pháp lý (7): Trong bộ công cụ đánh giá chỉ số PCI do VCCI tiến hành, chỉ số này đo lường lòng tin của doanh nghiệp tư nhân đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh, liệu các thiết chế pháp lý này có được doanh nghiệp xem là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi doanh nghiệp có thể khiếu nại các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương. Trong bộ chỉ số DDCI Ninh Bình, đối tượng được đánh giá là các sở, ban, ngành và các huyện/thành phố. Do đó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các sở ngành và địa phương, chỉ số “Thiết chế pháp lý” được thiết kế lại và đánh giá thông qua: cơ chế phản ánh, kiến nghị, khiếu nại; kênh để phản ánh, kiến nghị, khiếu nại và đánh giá hiệu quả của công tác giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại. Riêng tại các huyện/thành phố đánh giá thêm công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

 

      - Vai trò của người đứng đầu (8): Với quan điểm vai trò người đứng đầu có ảnh hưởng quyết định đến công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nên hiện nay chỉ số thành phần vai trò người đứng đầu đã được nhiều địa phương đưa vào đánh giá. Đây là chỉ số mới hoàn toàn của DDCI so với PCI. Chỉ số thành phần này đánh giá vai trò, tính sáng tạo, quyết đoán của người đứng đầu (sở, ban, ngành và chính quyền huyện/thành phố) trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chỉ số này cũng đo lường mức độ ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đối với lãnh đạo của các sở, ban, ngành và huyện/thành phố.

 

      - Quản trị điện tử (9): là một trong những giải pháp quan trọng để giúp cho hoạt động điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và huyện/thành phố trở nên minh bạch, giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng sẽ góp phần giúp các cơ quan chính quyền điều hành hiệu quả hơn, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Chỉ số này bao gồm việc đánh giá nội dung và chất lượng của cổng thông tin điện tử và việc ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa thông qua việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến.

 

      (Đính kèm Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 của UBND tỉnh về việc sửa phê duyệt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI); Quyết định số 589/QĐ-UBND ngày 28/6/2022 của UBND tỉnh về việc sửa đổi bổ sung Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Ninh Bình)

 


            

 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3670510
Số người trực tuyến:18
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 3 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 3 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình




Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn