THUỶ SẢN

+A =A -A

Quản lý tảo trong ao nuôi thủy sản nước ngọt

Thứ Năm, Ngày 11/08/2022

       Tảo được xem là nguồn thức ăn tự nhiên và là mắt xích đầu tiên trong chuỗi thức ăn của các loài thủy sinh. Ngoài nhiệm vụ điều tiết môi trường nước, tảo còn cung cấp oxy và thức ăn cho các sinh vật khác. Tuy nhiên, nếu như phát triển quá mức, đặc biệt là những loài tảo độc sẽ làm suy thái hệ sinh thái trong ao nuôi. Từ đó làm thay đổi các yếu tố chất lượng nước, gây ảnh hưởng đến hô hấp và sức khỏe của thủy sản nuôi. Do vậy trong quá trình nuôi bà con cần nhận biết các loại tảo và có biện pháp xử lý kịp thời để hạn chế ảnh hưởng của tảo đến thủy sản và môi trường ao nuôi.

         Một số loại tảo trong nuôi thủy sản nước ngọt

         Tảo khuê: Tảo khuê hay còn gọi là tảo silic hoặc tảo cát. Đây là những nhóm tảo có thành phần dinh dưỡng tương đối cao và là nguồn thức ăn rất tốt cho ấu trùng của các loài thủy sinh vật giai đoạn sống đáy. Tảo khuê có thể phát triển tốt khi hàm lượng chất dinh dưỡng trong môi trường nước ở mức thấp. 

        Tảo lục: Tảo lục ảnh hưởng nhiều đến màu nước. Khi tảo lục chiếm ưu thế nước sẽ có màu xanh nhạt. Đây là ngành tảo có lợi cho các ao nuôi thủy sản, ao nuôi có tảo lục phát triển, môi trường nước ít biến động, tôm cá sinh trưởng phát triển tốt. Ngoài ra trong quá trình trao đổi chất chúng tiết ra Chlorelline nên có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại trong nước. 

        Tảo lam: Tảo lam là một loại tảo độc, không có lợi cho các ao nuôi thủy sản. Tảo lam không phải là thức ăn cho các loại phiêu sinh động vật, chúng phát triển mạnh vào giữa và cuối chu kỳ nuôi, khi mà chất thải của động vật tích tụ nhiều, thức ăn dư thừa làm tảo phát triển mạnh mẽ như một lớp sơn quánh đặc phủ kín mặt ao. Khi tảo phát triển mạnh sẽ gây thiếu oxy vào ban đêm tùy theo mật độ tảo, góp phần làm cho động vật thủy sản bị ngạt do thiếu oxy. Ngoài việc gây ra các tình trạng trên, chúng còn có thể tiết độc tố gây bệnh cho tôm, cá đặc biệt những loại cá ăn lọc như cá mè trắng, mè hoa.

         Tảo mắt: Thường xuất hiện khi môi trường nước bị nhiễm bẩn hữu cơ, ao nuôi có hàm lượng chất thải, mùn bã hữu cơ cao, nền đáy ô nhiễm. Ở điều kiện thuận lợi, tảo mắt sinh khối rất nhanh, dễ làm giảm hàm lượng oxy hòa tan, làm nước bị nhờn.

          Nguyên nhân xuất hiện tảo độc

         Nguồn nước bơm từ bên ngoài vào có chứa tảo. Các chất thải do thức ăn dư thừa, phân động vật, xác động vật thủy sản phân hủy,….tạo điều kiện cho tảo phát triển. Thời tiết thay đổi liên tục, nắng nóng và mưa gió kéo dài ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường trong ao nuôi. Điều này làm kích thích sự phát triển bất thường của tảo và hiện tượng tảo tàn. Nồng độ photpho và nitơ trong ao nuôi cao cũng là điều kiện gia tăng tốc độ sinh trưởng của tảo.

          Tác hại khi tảo tàn

         Khi tảo tàn, xác tảo chìm xuống đáy và phân hủy gây ô nhiễm nước ao nuôi. Quá trình phân hủy của tảo sử dụng oxy hòa tan trong nước và sinh ra các khí độc NO2, NH3, H2S. Khi đó, ao nuôi bị ô nhiễm và lượng oxy hòa tan trong nước giảm mạnh, cá bị ngạt sẽ nổi đầu, giảm ăn, chậm phát triển, suy giảm sức đề kháng, dễ phát sinh bệnh. Ao không kịp xử lý cá có thể chết rải rác hoặc chết hàng loạt.

 

Hình ảnh: Tảo lam

         Một số biện pháp quản lý tảo trong ao

         Mật độ tảo trong các ao nuôi có mối quan hệ chặt chẽ với các yếu tố môi trường nước. Do đó trong quá trình nuôi cần duy trì tốt các yếu tố môi trường nước: nhiệt độ 20 - 300C; pH: 6,8-8; độ sâu 1,5-2m; hàm lượng oxy ≥ 5mg/lit. Đồng thời trong suốt vụ nuôi thường xuyên bổ sung chế phẩm sinh học và các khoáng chất để giúp thuỷ sản phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng và khả năng chống chịu với môi trường.

  Nếu mật độ tảo trong ao nuôi nhiều bà con nên thay nước đã được xử lý từ ao lắng khoảng 30% để giảm tảo và giảm 30-50% lượng thức ăn cho thủy sản. Sử dụng các chế phẩm vi sinh chứa chủng vi khuẩn có lợi như Bacillus, Nitrobacter, Nitrosomonas,… có khả năng phân hủy chất hữu cơ dư thừa, tiết enzyme để cắt tảo. Trong trường hợp ao nuôi có độ kiềm thấp bà con có thể tiến hành ngâm vôi nung và tạt đều quanh ao vào buổi tối với lượng 2-3 kg/100 m3, thực hiện cắt tảo bằng vôi trong 02 ngày liên tiếp để có kết quả tốt nhất. 

        Khi tảo tàn, cần nhanh chóng vớt xác tảo chết, tăng cường oxy cho ao bằng cách chạy quạt nước liên tục hoặc đồng thời bổ sung nước mới hoặc thay nước cho ao nuôi. Tảo tàn quá trình phân hủy sinh ra khí độc bà con nên sử dụng sản phẩm có chất Yucca Schidigera kết hợp Zeolite để xử lý, hấp thu khí độc.

        Các loại tảo trong ao nuôi thủy sản rất đa dạng, để có vụ nuôi thành công bà con cần tạo điều kiện môi trường phù hợp để kích thích tảo có lợi phát triển và giảm thiểu tối đa các loại tảo độc trong ao./.

Phan Thị Quyên - Chi cục Thủy sản

 
 

            

 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3687805
Số người trực tuyến:39
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn