TIN HOẠT ĐỘNG SỞ

+A =A -A

Khái quát kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2018, định hướng giai đoạn 2019-2020

Thứ Năm, Ngày 20/12/2018

Năm 2018, mặc dù còn gặp một số khó khăn như rét đậm, rét hại ở vụ Xuân, mưa úng đầu vụ Mùa, dịch bệnh và cháy rừng vẫn xảy ra rải rác, nhưng có thể nói năm nay nông nghiệp chúng ta được mùa toàn diện, cả về lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện cũng như kết quả sản xuất thực tế. Điều này thể hiện qua việc các chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt so với kế hoạch, đó là:
- Tăng trưởng ngành tăng 2,7%/năm cao nhất từ đầu nhiệm kỳ trở lại đây.
- Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt tới 120 triệu/ha, tăng gần 10 triệu so với năm 2017.


- Thêm 10 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số toàn tỉnh là 90/119 xã về đích nông thôn mới, đặc biệt huyện Yên Khánh được công nhận huyện nông thôn mới, triển khai nhiều cách làm hay như xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư mới kiểu mẫu, đưa tỉnh ta trở thành 1 trong những tỉnh đi đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới.
- Sản xuất được mùa trên tất cả các lĩnh vực Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản, Lâm nghiệp, đặc biệt triển khai thực sự có hiệu quả Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh và Kế hoạch 36 của UBND tỉnh với nhiều chương trình, dự án, phương thức tổ chức sản xuất hiệu quả rõ rệt, từng bước nhân ra diện rộng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Có thể kể ra một số điểm nổi bật, đáng ghi nhận mà ngành nông nghiệp đã làm được đó là:


+ Về trồng trọt được mùa cả 2 vụ, vụ Xuân đạt đỉnh cao mới về năng suất, điều đáng nói hơn là đã đẩy mạnh sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao đưa diện tích lúa đặc sản chất lượng cao lên tới hơn 60% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 05, đến 2020 đạt 50%); đặc biệt hơn chúng ta làm được cả lúa đặc sản nếp hạt cau hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản rất hiệu quả, đề nghị tiếp tục mở rộng hình thức sản xuất này.
+ Chăn nuôi được giá, tổng đàn tăng, đặc biệt giá lợn hơi tăng trở lại, tuy nhiên đã chủ động định hướng chỉ đạo không tăng nóng, đồng thời phát triển theo trang trại, gia trại, con nuôi đặc sản đem lại hiệu quả cao.
+ Thủy sản tiếp tục thể hiện là mũi nhọn còn rất nhiều tiềm năng của ngành, diện tích liên tục tăng mạnh cả nước ngọt và mặn lợ, tăng cường nuôi thâm canh, bán thâm canh, cả siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao liên tục được nhân rộng; khai thác, đánh bắt tiếp tục đem lại hiệu quả.


Năm 2018 là năm ghi dấu ấn nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh, của cả nước. Đó là năm đánh giá kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của tỉnh, là năm đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sơ kết 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp. Từ Trung ương đến tỉnh đều đã tổ chức Sơ kết, Tổng kết, nhất là đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó đánh giá mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, song còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chưa hình thành được những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, phù hợp. Chính vì vậy kỳ họp HĐND vừa qua Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND thông qua Nghị quyết mới, thay thế Nghị quyết 37 để tạo động lực mới, chính sách mạnh hơn cho ngành nông nghiệp. Trên cơ sở Nghị quyết mới của HĐND, giai đoạn 2019-2020 cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:


1. Về nông nghiệp
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa,  tập trung, phát huy lợi thế của từng địa phương, theo tín hiệu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững. Từng bước gắn sản xuất nông nghiệp với dịch vụ du lịch.
- Về trồng trọt: Điều chỉnh diện tích đất trồng lúa cho phù hợp, đảm bảo an ninh lương thực đồng thời phải chuyển đổi đất lúa, cơ cấu cây trồng phù hợp với từng địa phương để nâng cao giá trị trên 1ha canh tác. Tập trung cho lúa chất lượng cao, đặc sản, rau, củ, quả, cây dược liệu...gắn với ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ và nông nghiệp sinh thái.
- Về chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại, hình thành vùng chăn nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường. Tập trung cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lợn, gia cầm, dê, con nuôi đặc sản...nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ.
- Về thủy sản: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thủy sản cả về nước ngọt, mặn, lợ và khai thác, tập trung đầu tư thâm canh, siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao trong thủy sản đưa thủy sản tiếp tục là mũi nhọn trọng điểm của ngành.
- Về lâm nghiệp: Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng rừng trồng, nâng cao giá trị, hiệu quả, đời sống người dân lâm nghiệp. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, cả rừng phòng hộ ven biển.


2. Về Nông thôn
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Trong đó chú trọng hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường công nghệ bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị gia tăng.
- Xây dựng nông thôn toàn diện, bền vững đi vào chiều sâu, cải thiện trực tiếp điều kiện sống của cư dân nông thôn. Hỗ trợ các nông hộ phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập. Xây dựng nông thôn mới phải tính đến yêu cầu đô thị hóa trong tương lai, nhất là khu vực ven các đô thị lớn. Quan tâm hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở vùng còn nhiều khó khăn, nhất là miền núi để không bị tụt hậu so với vùng khác.
- Từng bước nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhất là thủy lợi, giao thông gắn với nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công với xã hội hóa việc phát triển cơ sở hạ tầng.


3. Về nông dân
- Quan tâm các cơ chế chính sách xóa đói, giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc.
- Bảo vệ tài nguyên môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền, vận động, có cơ chế chính sách cụ thể, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp...


4. Nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa các khâu sản xuất; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp nông thôn.
Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, ưu tiên cho việc ứng dụng giống mới, chương trình hiệu quả, ứng dụng các công nghệ mới.
Đồng thời tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nông nghiệp tỉnh ta ngày càng phát triển nhanh và bền vững./.
 

 

 

 

 

  Người viết bài


  Đinh Văn Khiêm


            

 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3695920
Số người trực tuyến:18
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn