LÂM NGHIỆP

+A =A -A

Một số tập tính chính của loài Voọc mông trắng

Theo số liệu điều tra năm 2010 của Hội động vật học Frankfurt – Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam, loài Voọc mông trắng chỉ còn ở Việt Nam với số lượng khoảng 200 cá thể, được phân bố rải rác tại 18 điểm tách biệt ở một số tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Thanh Hóa

. Trong đó, tại Vân Long – Ninh Bình đã có trên 100 cá thể sinh trưởng và phát triển, đây là điểm có số lượng Voọc mông trắng nhiều nhất Việt Nam, có thể quan sát một cách dễ dàng ngoài tự nhiên.

Để giúp du khách thăm quan, các bạn độc giả, các bạn học sinh, sinh viên các trường chuyên nghiệp, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có thêm nguồn tài liệu tham khảo, xin được giới thiệu một số tập tính chính của loài Voọc mông trắng đó là:

1. Tập tính ăn uống

Voọc mông trắng không ăn côn trùng: sâu lá, giun đất, các loại côn trùng và những loài động vật khác… Voọc mông trắng kiếm ăn ban ngày, thời gian kiếm ăn xen kẽ với thời gian giải lao, chuốt lông, nô đùa và các tập tính khác. Thời điểm kiến ăn tập trung chủ yếu vào buổi sáng từ khi thức dậy vào khoảng 6h sáng cho đến trưa, bổi chiều từ 14h đến 17h30’. Trong khoảng thời gian kiếm ăn đó, Voọc mông trắng không kiếm ăn liên tục mà chia ra thành nhều đợt, thời giam mỗi đợt có khác nhau phụ thuộc vào thời điểm ăn và lượng thức ăn tại đó. Trong quá trình kiếm ăn, thời gian kiếm ăn không thay đổi không phụ thuộc nhiều vào thời tiết mà thời tiết chỉ ảnh hưởng đến các tập tính khác như: vận động nô đùa, chạy nhảy chuyền cành… Những ngày nắng ráo Voọc mông trắng kiếm ăn náo nhiệt hơn, vào ngày mưa phùn, sương mù nhiều Voọc mông trắng kiếm ăn tập trung hơn sau đó chúng thường ngồi tại chỗ, hoặc tìm những mỏ đá hay chỗ kín đáo để trú mưa nghỉ ngơi và chuốt lông cho nhau.

Hình thức ăn: cả đàn thường tập trung một khu vực nhất định như một thung lũng có nhiều cây hay một sườn núi, đôi khi cả đàn ngồi ăn trên một thân cây gỗ có nhiều tán rộng như cây đa, xi, xanh đây là những thức ăn ưa thích của Voọc mông trắng. Khi ăn mỗi cá thể ngồi đơn lẻ từng chỗ, khi lấy thức ăn Voọc mông trắng thường dùng một cánh tay níu cành, một tay chuốt lá, đôi khi níu cành trực tiếp vào mồm để ăn, không bẻ cành để ăn. Khi vặt lá, Voọc mông trắng nắm chặt vào phiến lá dứt mạnh do đó khi lá không bị đứt mà chỉ rách một phần phần còn lại vẫn trên cành. Nhờ phần lá còn lại này cho chúng ta nhận biết được nơi Voọc mông trắng mới đến và nhận dạng được loài thức ăn cho Voọc mông trắng.

2. Tập tính di chuyển

Là tập tính mang tính chất sinh tồn của các loài động vật hoang dã cũng như của Voọc mông trắng, độ dài di chuyển ước tính 30 km/ngày. Cự ly di chuyển của Voọc mông trắng phụ thuộc nhiều vào vị trí ngủ, lượng thức ăn của khu vực, vào giới tính, tuổi của Voọc mông trắng và thời tiết. Nếu thời tiết nắng ấm Voọc mông trắng di chuyển nhiều hơn ngày mưa, thời điểm Voọc mông trắng vận động dãn ra ngay sau khi ngủ dậy, trước và sau khi ăn, buổi sáng chúng thường vận động nhẹ giúp cho cơ thể trở lại trạng thái cân bằng sau một thời gian dài nằm ngủ. Lúc này cả đàn mới di chuyển đến khu vực kiếm ăn. Việc di chuyển từ chỗ nghủ đến chỗ kiếm ăn Voọc mông trắng không đi liên tục mà vừa di chuyển, vừa nghỉ ngơi quan sát xung quanh để kiểm tra sự an toàn phía trước rồi mới tiếp tục đi tiếp. Về gần trưa, Voọc mông trắng ít di chuyển hơn chủ yếu dành cho nghỉ ngơi và chuốt lông. Vào buổi chiều mức độ di chuyển diễn ra không mạnh như buổi sáng. Trong quá trình kiếm ăn Voọc mông trắng di chuyển dần về chỗ ngủ theo một đường nhất định. Đường này do con đầu đàn quyết định, khi di chuyển con đực đầu đàn luôn đi trước tiến hành quan sát, kiểm tra nếu thấy an toàn thì cả đàn mới di chuyển tiếp. Kết quả quan sát nhận thấy con đực di chuyển nhiều hơn những con khác trong đàn; Con non mới sinh, trong quá trình di chuyển hai chi trước ôm ngực hai chi sau ôm ngang lưng con mẹ.

Bình thường Voọc mông trắng di chuyển nhẹ nhàng bằng cả bốn chi. Tư thế di chuyển là chân nọ tay kia, tức là tay trái trước, chân phải sau hoặc tay phải trước chân trái sau. Khi đi mặt luôn hướng về phái trước. Từ gốc đuôi trở về phía đầu chóp đuôi dài khoảng 30 cm là thẳng so với thân sau đó cong dần hình vòng cung và thõng xuống phía dưới. Khi có động, Voọc mông trắng di chuyển rất nhanh và những bước đi bước nhảy của nó rất mạnh mẽ, dứt khoát. Voọc mông trắng có thể nhảy rất xa, có thể tới 7 – 8 m, khi nhảy từ những cây cao hơn xuống cây thấp hơn. Khi nhảy Voọc mông trắng dùng hai chi sau đạp mạnh xuống đất hoặc cành cây to, lao về phái trước mà chúng cần đến. Thời gian diễn ra các hoạt động như đi, nhảy không dài chỉ nằm trong khoảng 30 giây trở lại sau đó chúng lại ngồi nghỉ nghơi quan sát chuốt lông.

3. Nơi ngủ và tập tính ngủ

Tập tính nghỉ ngơi thường diễn ra hàng ngày ở mỗi cá thể Voọc mông trắng. Là điểm kết thúc của một thời gian dài hoạt động như đi lại ăn uống, nô đùa… để chúng hồi phục lại những năng lượng đã bị mất đi trở lại ban đầu. Qua theo dõi chúng tôi nhận thấy Voọc mông trắng nghỉ ngơi xen kẽ giữa các hoạt động như ăn uống, nô đùa đôi khi kết hợp vừa ăn uống, nô đùa vừa chuốt lông vừa nghỉ ngơi. Voọc thường ngồi nhiều sau các bữa ăn. Tư thế chủ yếu khi nghỉ ngơi là ngồi (hoặc nằm ít hơn). Thường ngồi trên những cành cây to hoặc trên những lùm cây có nhiều dây leo thân gỗ hay trên những mỏm đá tai mèo, 2 chân co lại chống trực tiếp trên mỏ đá hay trên cành cây 2 tay thu vào bụng, đuôi thả lỏng tự do thõng xuống phía dưới, mặt hướng xuống đôi khi nhìn ngước lên phía trước để quan sát xung quanh. Khi nằm Voọc mông trắng thường nằm trên cây, nằm úp hai tay ôm cành, chân và đuôi thả thõng tự do. Đối với Voọc mông trắng cái nuôi con nhỏ khi nghỉ một tay ôm con, một tay bám cành. Con con ôm bụng mẹ lưng quay ra ngoài mặt úp vào ngực mẹ, khi trời rét Voọc mông trắng thường ngồi sát bên nhau, đây là tính bầy đàn của chúng nhằm chống lại những bất lợi từ bên ngoài.

Vị trí ngồi thường là trên những cành cây to, những lùm cây ngay khu vực kiếm ăn của Voọc mông trắng trên những mỏm đá thoáng mát. Voọc mông trắng đầu đàn thường chọn ngọn cây to mỏm đá cách xa với đàn từ 15 – 20 m làm nơi quan sát xung quanh.

Để kết thúc một ngày làm việc của chúng là thời gian ngủ của chúng, nơi ngủ của Voọc mông trắng thường là những vách đá chắn rất khó quan sát nhưng cũng rất khó tiếp cận vì những nơi này thường là vách dựng đứng không có thực vật sống ở đó. Vị trí những vách dựng này thường nằm ở rất gần những thung lũng là nơi có nhiều thức ăn cho Voọc mông trắng, vách đứng thường vuông góc với mặt đất, vách có nhiều hố nhỏ mà Voọc mông trắng có thể ngồi được bám được dễ dàng. Phía trên vách ngủ của Voọc mông trắng có nhiều mỏm đá nhô ra phía ngoài có thể che mưa nắng được. Vách thường có hướng đông và đông nam, đặc biệt vách ngủ đều dễ quan sát nhưng lại rất khó cho người cũng như các loài động vật khác tiếp cận... Voọc mông trắng không bao giờ ngủ ở một vách chắn cố định mà vị trí ngủ của chúng phụ thuộc vào vị trí mà chúng kiếm ăn khi về chiều. Những vách chắn này thường nằm trong phạm vi chịu sự quản lý rừng của mỗi đàn. Mỗi đàn rất ít khi có sự xâm lấn lãnh thổ kiếm ăn cũng như nơi ở của nhau.

Thời gian Voọc mông trắng thường về vách ngủ khi mặt trời lặn, trời bắt đầu sẩm tối vào hoảng 16 giờ tùy thuộc vào mùa, thời tiết của ngày đó và cả bầy đàn thường dậy vào khoảng 6 giờ sáng ngày hôm sau khi trời sáng hẳn, mặt trời lên.

Tư thế ngủ Voọc mông trắng nằm úp mặt vào vách núi hai tay bám vào những mỏm đá nhỏ hoặc những hốc đá nhỏ ở hai bên thân. Mông ngồi trên một hốc đá nhỏ hoặc ngồi trong một hang nhỏ, hai chân có thể thu về phía trước bụng hoặc dạng sang hai bên bám vào các vách đá.

4. Tập tính nô đùa

Tập tính nô đùa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với loài Voọc mông trắng, vì nô đùa Voọc mông trắng mới trở nên nhanh nhẹn hơn, hoạt bát hơn thêm thân thiện với đồng loại và loại bỏ được những mệt mỏi trong cơ thể chúng. Thời gian Voọc mông trắng nô đùa thường diễn sau khi thức dậy, trước và sau khi ăn. Thời gian nô đùa thường khoảng 15 phút cho mỗi lần. Thường hay nô đùa nhiều nhất vào những lúc sau những bữa ăn về gần buổi trưa và về chiều sau thời gian nghỉ ngơi. Đôi khi trong lúc di chuyển và kiếm ăn chúng cũng nô đùa.

Tập tính nô đùa thường diễn ra khá mạnh ở những con chưa trưởng thành. Voọc mông trắng con nô đùa thường xung quanh Voọc mông trắng mẹ, những con trưởng thành đôi khi cũng bị lôi cuốn vào hoạt động nô đùa của con bán trưởng thành và của con con. Vị trí nô đùa của Voọc thường diễn ra trên những bãi đá tai mèo, hoặc mái đá dốc thoải. Đặc biệt chúng hay nô đùa trên những cây gỗ lớn có nhiều cành, xung quanh có nhiều bụi cây. Tần xuất nô đùa của chúng trong một ngày có thể diễn ra từ 4 đến 5 lần, mỗi lần kéo dài từ 10 – 15 phút. Những ngày nắng ấm chúng nô đùa nhiều hơn những ngày lạnh. Hàng ngày trước khi về nơi ngủ tối, chúng nô đùa rất lâu sau đó mới nghỉ ngơi và di chuyển dần về nơi ngủ. Hoạt động nô đùa có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như sinh trưởng và phát triển của Voọc mông trắng.

5. Tập tính chuốt lông

Chuốt lông là một tập tính rất phổ biến của tất cả các loài linh trưởng bao gồm các hoạt động tự chuốt lông và chuốt lông cho nhau. Thời gian chuốt lông thường diễn ra sau khi kiếm ăn, sau khi nô đùa, trong lúc nghỉ ngơi. Tập tính chuốt lông cho nhau thường thấy ở con mẹ hoặc con cái trưởng thành chuốt lông cho con non và những con ở giai đoạn bán trưởng thành. Hai con thường ngồi cạnh nhau, các động tác chuốt lông thường chậm, rất chăm chú và tình cảm. Voọc mẹ chuốt lông cho con non lúc nghỉ ngơi và lúc cho con bú.

Trên đây là một số tập tính chính của loài Voọc mông trắng tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Nắm được những đặc tính trên, độc giả có thể có thêm nguồn kiến thức bổ sung trong quá trình quan sát, thăm quan du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, có thêm nguồn tư liệu phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu đánh giá những tác động của môi trường ảnh hưởng đến sự sống của Voọc mông trắng, đề xuất được những giải pháp bảo vệ hữu hiệu, nhằm bảo tồn loài Voọc mông trắng – một loài thú linh trưởng quý hiếm đã và đang được Chính phủ Việt Nam và cả cộng đồng Quốc tế cam kết nỗ lực bảo vệ.

 

ĐỖ VĂN CÁC

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình


            

 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3696600
Số người trực tuyến:35
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn