NÔNG THÔN MỚI

+A =A -A

Thực trạng và giải pháp phát triển sản phẩm ocop, nông sản làm quà tặng phục vụ du lịch

Thứ Ba, Ngày 07/05/2024

         OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo định hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị hướng tới phục vụ du lịch. Sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng, không chỉ là sinh kế của người dân mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương, vùng miền trên cả nước. Nói một cách khác thì sản phẩm OCOP đã và đang giải bài toán về quà tặng du lịch mang tính đặc trưng của các địa phương, làm phong phú thêm chương trình du lịch, giúp các sản phẩm OCOP có thêm thị phần.

Hộp quà tặng có các sản phẩm ocop của Công ty Bảo Sơn Food

          Ninh Bình là tỉnh có điều kiện tự nhiên đa dạng, sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và phát triển các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, với diện tích đất tự nhiên và xu thế phát triển đô thị hóa gắn với định hướng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch do vậy chủ trương của tỉnh chú trọng vào phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng, đặc sản, đặc hữu theo hướng nâng cao chất lượng và hướng tới sản phẩm phục vụ cho thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế đến với tỉnh Ninh Bình. Tại đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã xác định thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng tạo ra sản phẩm dịch vụ và gắn với du lịch. Cụ thể là tạo ra dòng sản phẩm phục vụ khách du lịch. Với tiềm năng phát triển du lịch lớn, mỗi năm tỉnh đón khoảng 9 triệu lượt du khách. Một bài toán đơn giản, chỉ cần thuyết phục số lượng khách này mua các sản phẩm OCOP đã đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt cho các chủ thể. Vì thế, việc khuyến khích các chủ thể OCOP hướng đến khách du lịch, đưa sản phẩm OCOP trở thành các sản phẩm phục vụ du lịch, là một trong những chủ trương mà tỉnh hướng tới để phát triển Chương trình OCOP. Nói một cách khác, du lịch chính là một trong những kênh quảng bá, giới thiệu hữu hiệu dành cho các sản phẩm OCOP. Qua hoạt động du lịch và khách du lịch, các sản phẩm này sẽ tỏa đi nhiều nơi. Nhờ đó, có tác động tích cực đến định hướng phát triển sản phẩm OCOP bằng việc tạo ra các sản phẩm lưu niệm, quà tặng. Đồng nghĩa với việc thôi thúc du khách chi tiêu nhiều hơn khi đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại Ninh Bình.

Hộp quà tặng sản phẩm ocop của Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia

          Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu đối với du khách trong nước và quốc tế, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng, quy mô quốc gia và quốc tế như: Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động... Nhiều năm liền Ninh Bình được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đón nhiều khách du lịch nhất cả nước. Ninh Bình có cánh đồng lúa Tam Cốc được chuyên trang du lịch Business Insider bình chọn là một trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam và từng lọt top 15 địa danh "tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến" do tờ Telegraph (Anh) bình chọn. Ngoài ra, còn có nhiều điểm check in được du khách yêu thích như: cánh đồng dứa Đồng Giao, đào phai, vườn cây ăn quả kết hợp với nuôi con đặc sản ở Quèn Thờ (thành phố Tam Điệp); đầm sen ở Hang Múa, vườn nho Hạ đen ở Hoa Lư, hay du lịch trải nghiệm ẩm thực ở xã Khánh Thiện (Yên Khánh)... Đây là bước khởi đầu để tiến đến định hướng sản xuất các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm đạt OCOP nói riêng phục vụ cho du lịch, là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển chương trình OCOP, hình thành nên những sản phẩm mang thương hiệu địa phương và có sức cạnh tranh cao, là quà tặng độc đáo cho khách du lịch. Tại các điểm du lịch nói trên đều có các khu trưng bày bán sản phẩm OCOP. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, đặc biệt là các hội chợ du lịch để các chủ thể OCOP gặp gỡ đối tác du lịch, từ đó liên kết cùng phát triển, thí dụ tham gia trưng bày sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại “Tuần Du lịch năm 2022 - Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An”; Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh đồng bằng sông Hồng do sở Du lịch tổ chức; "Không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch cấp vùng", đây là một trong những hoạt động trong khuân khổ triển lãm, “Không gian Di sản văn hóa và Sản phẩm thủ công truyền thông” tại Ninh Bình – một hoạt động trong chuỗi các sự kiện chào mừng Festival Ninh Bình lần thứ II năm 2023…Từ đó, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tri thức, văn hóa bản địa đặc sắc tới khách du lịch về các sản phẩm OCOP và nâng cao hình ảnh du lịch của các địa phương. Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Quan tâm, đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững…

Hộp quà gồm các sản phẩm ocop tỉnh Ninh Bình

           Hết năm 2023, toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 70 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (tỷ lệ 38,7%), 111 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (tỷ lệ 61,3%). Trong đó nhiều sản phẩm đặc sản được người tiêu dùng vô cùng yêu thích. Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất hiện đại, sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã bắt mắt nên các sản phẩm OCOP của Ninh Bình đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Hoạt động xúc tiến thương mại; ký kết cung ứng sản phẩm hàng hóa vào các hệ thống siêu thị, các sàn thương mại điện tử được các cấp, các ngành chú trọng nên các sản phẩm OCOP của Ninh Bình ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Chương trình OCOP tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đặc biệt, các sản phẩm được công nhận từ năm 2019 đến nay vẫn được người dùng rất quan tâm, tin dùng. Khai thác lợi thế từ các sản phẩm được chứng nhận OCOP, thời gian gần đây, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư máy móc, cải tiến bao bì mẫu mã, mở rộng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch đặc trưng, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển. Cầm trên tay những set quà được gói ghém tỉ mỉ, bắt mắt với điểm nhấn là các sản phẩm OCOP được làm ra ngay trên chính địa bàn tỉnh, có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ tạo ấn tượng hết sức sâu sắc cho khách du lịch trong và ngoài nước đến với Ninh Bình.

Hộp quà có sản phẩm ocop của Công ty NOBIO Việt Nam

          Để phát triển sản phẩm OCOP, trong thời gian tới cần tập trung: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm OCOP, Chương trình OCOP; đào tạo tập huấn kiến thức về Chương trình OCOP cho cán bộ quản lý các cấp, chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đào tạo kiến thức, kỹ năng phát triển thị trường cho các chủ thể OCOP, định hướng về bao bì, nhãn mác, thiết kết mẫu mã hình thành một dòng sản phẩm OCOP là quà biếu, tặng, quảng bá hình ảnh thương hiệu OCOP Ninh Bình. Khuyến khích, hỗ trợ chủ thể xây dựng các gói combo quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP, gắn với lịch sử văn hóa quốc gia, vùng miền, địa phương. Phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP. Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương. Hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao quy trình - công nghệ sơ chế, chế biến sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP. Thực hiện tốt công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

          Có thể nói, phát triển sản phẩm OCOP, nông sản làm quà tặng phục vụ du lịch sẽ là hướng đi đúng đắn và lâu dài, góp phần tạo “cú huých” thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh “cất cánh” trong thời gian tới.

 

Ngô Thị Mai - PNVTH

 

 


            



Đánh giá cho bài viết này: Chưa có lượt đánh giá nào


 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3721246
Số người trực tuyến:12
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 5 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 5 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn