Ngày 16/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.
Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón quy định tại Nghị định này bao gồm: vi phạm quy định về sản xuất phân bón, vi phạm quy định về buôn bán phân bón, vi phạm quy định về nhập khẩu phân bón, vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón; phân tích, thử nghiệm chất lượng phân bón, vi phạm quy định về khảo nghiệm phân bón, vi phạm quy định về sử dụng phân bón…
Về mức phạt tiền, theo Nghị định số 55/2018/NĐ-CP thì mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón đối với cá nhân là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức là 200.000.000 đồng. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm trong sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, khảo nghiệm và sử sụng phân bón tương ứng với hình thức phạt chính, xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. So với trước đây, Nghị định đã đưa thêm nhiều nội dung để đảm bảo tính răn đe của pháp luật, hạn chế việc bỏ sót các hành vi vi phạm, như:
Về sản xuất phân bón, bổ sung các hành vi: Sản xuất phân bón không thực hiện thu hồi hoặc không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; hoạt động sản xuất phân bón khi đã bị đình chỉ hoạt động hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đã hết hạn, bị tước quyền sử dụng, bị thu hồi. Sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, bổ sung hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón và biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi phân bón để thử nghiệm lại, thu hồi để tiêu hủy; Buộc tiêu hủy hoặc tái chế hoặc chuyển sang làm nguyên liệu.
Về buôn bán phân bón, bổ sung các hành vi vi phạm như: Buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam hoặc hết hạn sử dụng; buôn bán phân bón trong thời gian giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán hết hạn, đang bị đình chỉ hoạt động buôn bán, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán. Hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón có thời hạn, đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón có thời hạn và biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi phân bón đã bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ, không có tên trong danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam, phân bón hết hạn sử dụng; buộc tiêu hủy phân bón không có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, phân bón hết hạn sử dụng, phân bón bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ có chứa hàm lượng kim loại nặng, vi sinh vật gây hại và các chất độc khác vượt mức quy định.
Về nhập khẩu phân bón, bổ sung các hành vi vi phạm như: Nhập khẩu phân bón không có tên trong danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam; nhập khẩu phân bón phải có giấy phép nhập khẩu phân bón của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà không có giấy phép nhập khẩu; nhập khẩu phân bón hết hạn sử dụng; đưa vào sản xuất, lưu thông hoặc không bảo quản nguyên trạng phân bón, nguyên liệu phân bón khi chưa có thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu; làm giả, tẩy xóa làm sai lệch nội dung của giấy phép nhập khẩu phân bón. Hình thức xử phạt bổ sung về thu hồi Giấy phép nhập khẩu phân bón và biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất hoặc tiêu hủy phân bón.
Về khảo nghiệm phân bón, bổ sung hành vi gian lận trong hoạt động khảo nghiệm phân bón.
Về sử dụng phân bón, bổ sung các hành vi vi phạm như: Sử dụng phân bón không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn phân bón; sử dụng phân bón không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. .
Một số hành vi vi phạm và mức xử phạt cụ thể:
Hành vi vi phạm quy định về sản xuất phân bón (Điều 6):
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu phân bón định kỳ hàng năm.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; Không có kệ hoặc bao lót để xếp đặt phân bón thành phẩm; Không thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu phân bón định kỳ hàng năm trong 02 năm liên tiếp hoặc không thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Không có phòng thử nghiệm được công nhận mà không có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất ra.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất phân bón không có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học; Không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không lưu mẫu sản phẩm của từng lô phân bón xuất xưởng theo quy định về thời gian bảo quản mẫu lưu; Không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm theo quy định về thời gian của từng lô phân bón sản xuất đã xuất xưởng; Không có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương (trừ cơ sở mới thành lập chưa tròn 01 năm kể từ ngày thành lập; cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón).
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng không đáp ứng quy trình công nghệ theo đúng đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không thực hiện thử nghiệm đánh giá chất lượng của từng lô phân bón thành phẩm trước khi đưa phân bón ra lưu thông trên thị trường; Không thực hiện thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
7. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón có yếu tố hạn chế vượt mức giới hạn tối đa.
8. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tự ý viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không đúng loại phân bón được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động sản xuất phân bón khi đã bị đình chỉ hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón đã hết hạn hoặc bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi; Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không đúng địa điểm trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón; Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/ Giấy phép sản xuất phân bón; Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc khi đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
9. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị dưới 200.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình.
10. Đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật xử lý vi phạm hành chính; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khỏi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
11. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón; Đình chỉ hoạt động sản xuất phân bón; Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón.
12. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi phân bón để thử nghiệm lại; Buộc thu hồi để tiêu hủy phân bón; Buộc tiêu hủy hoặc tái chế hoặc chuyển sang làm nguyên liệu đối với phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; Buộc nộp lại số lợi bất chính có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Hành vi vi phạm quy định về buôn bán phân bón (Điều 7):
1. Hành vi vi phạm quy định về buôn bán phân bón gồm: Chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu và hoạt động khác đưa phân bón vào lưu thông áp dụng theo quy định tại Điều 7 Nghị định này; hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu phân bón áp dụng theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 108/2017/NĐ-CP trong quá trình hoạt động; Xếp đặt chung, để lẫn phân bón với một trong các loại hàng hóa khác như lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y; Buôn bán phân bón trong giai đoạn đang nghiên cứu, khảo nghiệm, dự án sản xuất thử nghiệm khi chưa có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Tự ý viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; Buôn bán phân bón trong thời gian đang bị đình chỉ hoạt động buôn bán hoặc tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; Buôn bán phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán phân bón có yếu tố hạn chế vượt mức giới hạn tối đa.
6. Hành vi vi phạm về buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón hết hạn sử dụng, mức phạt: Phạt cảnh cáo đối với trường hợp phân bón có giá trị dưới 1.000.000 đồng; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng;…; Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp lô phân bón có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Đối với hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật xử lý vi phạm hành chính; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
7. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón hoặc đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón; Đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón; Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi trả lại nhà sản xuất phân bón hết hạn sử dụng; Buộc tiêu hủy hoặc tái chế hoặc chuyển sang làm nguyên liệu phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; Buộc thu hồi để tiêu hủy phân bón.
Hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu phân bón (Điều 8):
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Tự ý viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa, làm thay đổi nội dung trong Giấy phép nhập khẩu phân bón; Đưa vào sản xuất, lưu thông hoặc không bảo quản nguyên trạng phân bón khi chưa có thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu.
2. Nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng, nhập khẩu phân bón hết hạn sử dụng, không có Giấy phép nhập khẩu đối với trường hợp phân bón nhập khẩu quy định phải có giấy phép thì bị xử phạt: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp lô phân bón có trị giá dưới 30.000.000 đồng; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp lô phân bón có trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp lô phân bón có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp lô phân bón có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu Giấy phép nhập khẩu phân bón.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tái xuất phân bón đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng hoặc không có Giấy phép nhập khẩu đối với trường hợp phân bón nhập khẩu quy định phải có giấy phép.
Quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà phân bón vẫn chưa được tái xuất thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định này phải ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm theo quy định, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy phân bón đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp nhập khẩu phân bón hết hạn sử dụng. Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm đã tiêu thụ hoặc tẩu tán đối với hành vi nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng quy định tại khoản 2 Điều này.
Hành vi vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón; phân tích, thử nghiệm chất lượng phân bón (Điều 9):
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón để đánh giá chứng nhận hợp quy hoặc phục vụ quản lý nhà nước; Không có Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón hoặc Chứng chỉ đào tạo người lấy mẫu phân bón đã thực hiện việc lấy mẫu phân bón; Không áp dụng phương pháp lấy mẫu theo Tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu phân bón; trừ trường hợp phân bón chưa có tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu phân bón.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không công bố phương pháp lấy mẫu, phương pháp phân tích, thử nghiệm mẫu theo quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở đối với loại phân bón chưa có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia.
3. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về thử nghiệm phân bón: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi phân tích, thử nghiệm chất lượng phân bón phục vụ quản lý nhà nước sử dụng phép thử nằm ngoài phạm vi được chỉ định; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi phân tích, thử nghiệm chất lượng phân bón phục vụ quản lý nhà nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc chỉ định.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động hoặc quyết định chỉ định có thời hạn.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả lấy mẫu phân bón, kết quả phân tích, thử nghiệm chất lượng phân bón đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 3 Điều này.
Hành vi vi phạm quy định về khảo nghiệm phân bón (Điều 10):
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón đúng quy định; Không nộp báo cáo định kỳ hàng năm kết quả hoạt động của tổ chức khảo nghiệm phân bón hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không duy trì đầy đủ các điều kiện của tổ chức khảo nghiệm phân bón được công nhận trong quá trình hoạt động khảo nghiệm; Không tuân thủ đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và các yêu cầu khảo nghiệm theo quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp kết quả sai so với kết quả khảo nghiệm phân bón.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện khảo nghiệm phân bón hoặc thực hiện khảo nghiệm không đúng quy định nhưng vẫn cấp kết quả khảo nghiệm.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Tẩy xóa, sửa chữa tài liệu khảo nghiệm phân bón; Sử dụng hồ sơ, tài liệu giả mạo, sai sự thật để được công nhận tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm phân bón nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
6. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng có thời hạn Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm phân bón đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này; Buộc thu hồi và tiêu hủy các loại hồ sơ, tài liệu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.
Hành vi vi phạm quy định về sử dụng phân bón (Điều 11):
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi sử dụng phân bón không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn phân bón.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phân bón không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nghị định số 55/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 4 năm 2018, trừ khoản 4 Điều 7 của Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 9 năm 2020 đối với tổ chức, cá nhân đã và đang hoạt động buôn bán phân bón trước ngày 20 tháng 9 năm 2017. Nghị định này bãi bỏ Điều 19, 20, 21, 23, 24, 25 Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; khoản 18, 19, 20, 21, 22, 23 Điều 1 Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp./.
Người viết bài
Phạm Thị Bích Liên