Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường
THANH TRA

+A =A -A

Một số thay đổi quan trọng về lâm nghiệp hiện nay

Thứ Sáu, Ngày 10/05/2019

Luật Lâm ngiệp đã được Quốc hội khóa XIV, tại Kỳ họp thứ 4, biểu quyết thông qua ngày 15/11/2017. Có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Luật Lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều, tăng 04 chương và 20 điều so với  Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.
Luật Lâm nghiệp đã thể chế hóa được 3 chủ trương lớn của các nghị quyết: Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.


Một số thay đổi về Lâm nghiệp hiện nay như sau:
Thứ nhất: Luật Lâm nghiệp đã mở rộng phạm vi điều chỉnh coi Lâm nghiệp là một ngành kinh tế xã hội, theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản; có thể hiểu lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.
Theo đó, khẳng định lâm nghiệp là một ngành kinh tế - xã hội vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa phát huy giá trị xã hội là thích ứng với biến đổi khí hậu với đòi hỏi phải quản lý bền vững.


Thứ hai: Thay thế Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở 4 cấp bằng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia:
Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng được lập ở 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Luật Lâm nghiệp 2017 đã có thay đổi rất cơ bản là thay thế quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở 4 cấp bằng quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia để phù hợp với Luật Quy hoạch.
Khoản 2 – Điều 11 của Luật Lâm nghiệp 2017 đã quy định các nội dung quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có các nội dung về định hướng phát triển 3 loại rừng, kết cấu hạ tầng lâm nghiệp và phát triển thị trường, vùng nguyên lệu, chế biến lâm sản.


Thứ ba: Thay đổi về chế định sở hữu rừng.
Nếu như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chỉ xác định quyền của Nhà nước đối với rừng. Chủ rừng chỉ có quyền sử dụng, sở hữu rừng khi được Nhà nước trao và công nhận thì Luật Lâm nghiệp 2017 đã quy định hai nhóm hình thức sở hữu rừng là: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Theo đó, rừng trồng sản xuất được đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, ai là người đầu tư thì sẽ là chủ sở hữu của rừng.


Thứ tư: Luật quy định quản lý rừng bền vững, đây là nguyên tắc xuyên suốt của hoạt động lâm nghiệp bảo đảm rừng được quản lý bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng, kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ rừng phải thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục; tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường; chủ rừng là tổ chức phải xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; Nhà nước quy định bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững và tổ chức thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.


Thứ năm: Khẳng định việc giao đất giao rừng cho người dân.
Về chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, nếu như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 mời chỉ dừng ở mức “Nhà nước khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận đất phát triển rừng ở những vùng đất trống, đồi núi trọc” (Khoản 4 – Điều 10) thì đến Luật Lâm nghiệp 2017 đã khẳng định “Nhà nước bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất” (Khoản 6 – Điều 4).


Thứ sáu: Quy định chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.
Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 (Điều 27), việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được thực hiện khi “được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”. Luật Đất đai 2013 (Điều 58) cũng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất rừng phòng hộ, đặc dụng khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (với diện tích từ 20 ha trở lên) và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh (với diện tích dưới 20 ha), không đề cập đến việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất rừng sản xuất.
Luật Lâm nghiệp 2017 (Khoản 2 – Điều 14) khẳng định: “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”. Quy định chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nhằm mục đích phát huy giá trị của từng loại rừng, đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.


Thứ bảy: Quy định về dịch vụ môi trường rừng.
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chưa đề cập đến dịch vụ môi trường rừng. Luật Lâm nghiệp 2017 đã luật hóa Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua việc quy định cụ thể các loại dịch vụ, nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng; đối tượng, hìn thức chi trả và quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng và bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Quy định về dịch vụ môi trường rừng là điểm rất mới của Luật Lâm nghiệp 2017, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng từ khai thác lợi ích trước mắt sang khai thác lợi ích tiềm năng của rừng; từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.


Thứ tám: Về đổi mới tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp. Luật đã quy định khung về cơ quan có chức năng tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp và tổ chức kiểm lâm. Trên cơ sở đó Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan này, tạo sự linh hoạt và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động lâm nghiệp. Đối với Kiểm lâm, bổ sung quy định cụ thể hơn trong Luật một số cơ chế, chính sách, thẩm quyền để bảo đảm hành lang pháp lý cần thiết cho lực lượng Kiểm lâm tổ chức hoạt động bảo vệ rừng, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng hiệu quả hơn.


Thứ chín: Đổi mới chính sách lâm nghiệp; không quy định giao rừng có thu tiền sử dụng rừng mà thay thế hình thức cho thuê rừng. Nhà nước cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, các nhân thuê rừng sản xuất; đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chỉ áp dụng hình thức cho thuê môi trường rừng và thuộc quyền của Chủ rừng; Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp; Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp  của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp. Luật đã mở rộng hơn quyền hưởng lợi của chủ rừng đối với rừng tự nhiên phục hồi, rừng nghèo. Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái sinh nên việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn.


Thứ mười: Quy định về chế biến và thương mại lâm sản để kết nối với giai đoạn bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Đồng thời, quy định rõ những hoạt động khoa học và công nghệ, chính sách khoa học và công nghệ về lâm nghiệp; thực hiện hợp tác quốc tế về lâm nghiệp với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế; chính sách hợp tác quốc tế về lâm nghiệp.


 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, gồm 7 Chương, 92 Điều.
So với các quy định hiện hành, Nghị định 156/2018/NĐ-CP đã cụ thể hóa các tiêu chí xác định rừng tự nhiên, rừng trồng theo 3 tiêu chí về độ tàn che, diện tích liền vùng và chiều cao của cây rừng ứng với từng điều kiện lập địa cụ thể; tiêu chí cụ thể của từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Đồng thời, trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của các văn bản hiện hành về thành lập các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ rừng; khai thác rừng; Nghị định quy định mới một số nội dung như: Quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của UBND cấp tỉnh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất do chủ rừng tự quyết định; không cần phải có chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như quy định trước đây.
Nghị định 156/2018/NĐ-CP có hiệu lực đồng thời bãi bỏ 37 Văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, gồm 07 Nghị định của Chính phủ, 06 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 13 Thông tư của Bộ NNPTNT, 02 Thông tư của Bộ Tài chính, 05 Thông tư liên tịch Bộ NNPTNT- BTC- BTNMT, 04 Quyết định của Bộ NNPTNT, hết hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

 

Về xử phạt vi phạm hành chính: Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp
Các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp được quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 6 năm 2019. Thay thế Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và Điều 3 Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Đối với các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh giống cây lâm nghiệp chính đồng thời được quy định tại Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này./.
 

 

        

          Người viết bài

 

Phạm Thị Bích Liên


            



Đánh giá cho bài viết này: Chưa có lượt đánh giá nào


 CÁC TIN KHÁC

Kết luận thanh tra số 07/KL-T.Tr ngày 22/11/2024 của Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình Về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi
Kết luận thanh tra số 03/KL-T.Tr ngày 30/8/2024 của Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình về việc Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh phân bón tại Công ty TNHH thương mại đầu tư phát triển nông nghiệp Đức Trọng
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA NĂM 2023
Một số khác biệt cơ bản giữa quy định của Luật Thanh tra 2022 so với Luật Thanh tra 2010 đối với cuộc thanh tra do cấp Sở và huyện tiến hành
Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch Tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Sở Nông nghiệp và PTNT
LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 4011328
Số người trực tuyến:125
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 12 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
307.378
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 12 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(92.2 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:1229 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang