
Lãnh đạo Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư-Vân Long, lãnh đạo các Hạt Kiểm lâm các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam ký báo cáo sơ kết Quy chế phối hợp
Được sự đồng ý của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình, ngày 17 tháng 12 năm 2021 Hạt Kiểm lâm liên huyện Hoa Lư - Gia Viễn đã tổ chức Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp vùng ráp ranh Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và lập kế hoạch hành động bảo tồn loài Voọc Mông trắng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến dự Hội nghị có lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm; lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Lạc Thủy thuộc Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình; Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Thanh Liêm thuộc Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm Hà Nam; đại diện lãnh đạo UBND các xã nằm trong Khu bảo tồn và ráp ranh với Khu bảo tồn; đại diện Tổ chức bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc tế (viết tắt FFI) tại Việt Nam; Ông Tilo Nadler và bà Nguyễn Thị Hiền.
Hội nghị đã báo cáo kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng và quản lý lâm sản; đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực ráp ranh Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long giữa ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam. Vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm 2021, đặc biệt khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với sự đồng thuận, đồng lòng thực hiện các nội dung của Quy chế phối hợp đến nay Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong năm 2021 không có vụ cháy rừng nào xẩy ra trên địa bàn, không xẩy ra tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, công tác phát triển rừng đạt 100% tiến độ, công tác bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện hiệu quả; không chỉ tạo môi trường, không gian sống an toàn cho các loài bản địa phát triển mà hiện nay biểu tượng của Khu bảo tồn là loài Voọc Mông trắng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Từ khi thành lập theo Quyết định số 2888/QĐ-UB ngày 18/12/2001 của UBND tỉnh Ninh Bình Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long mới chỉ phát hiện trên dưới 40 cá thể loài Voọc mông trắng đến nay đã tăng trưởng lên hơn 200 cá thể, như vậy trải qua 20 năm bảo tồn và phát triển loài Voọc Mông trắng đã tăng trưởng gấp 4 lần và theo dự báo của các nhà nghiên cứu với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì sau hơn 10 năm nữa Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long không đủ diện tích sống cần thiết cho loài Voọc Mông trắng. Theo điều tra của các nhà nghiên cứu cho thấy hiện nay tại một số địa điểm của Khu bảo tồn mật độ sinh sống của loài Voọc Mông trắng đã ở mức giới hạn do phân bố không đồng đều. Tại Khu rừng Kim Bảng - ráp ranh Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã phát hiện được một quần thể lớn loài Voọc Mông trắng tuy nhiên môi trường sống lại không được đảm bảo và đang bị đe dọa do địa phương vẫn tiếp tục cho phép khai thác mỏ đá làm mất đi khu vực sống của loài. Trước tình hình đó đòi hỏi phải có kế hoạch hành động bảo tồn loài Voọc Mông trắng - đây là vấn đề được quan tâm của toàn thể Hội nghị, không chỉ của lực lượng Kiểm lâm, của các nhà nghiên cứu mà còn cả chính quyền địa phương.

Ông Tilo Nadler phát biểu tại Hội nghị
Theo các chuyên gia hành động bảo tồn loài Voọc Mông trắng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần tập trung yêu cầu trước mắt nhưng cũng cần chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn. Thiết lập hành lang làm cầu nối giữa Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và các vùng ráp ranh không chỉ là yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương mà còn mở rộng vùng tạo nên giao thoa, kết nối với các vùng ráp ranh; xây dựng các con đường xanh tại Vân Long và các khu ráp ranh cho các loài động vật qua lại khi các khu rừng bị chia cắt bởi các tuyến đường giao thông; thành lập các Khu bảo tồn loài Voọc mông trắng tại Hà Nam và Hòa Bình hình thành liên kết trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học...

Đồng chí Nguyễn Văn Dương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình
phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội Nghị đồng chí Nguyễn Văn Dương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình đã ghi nhận những kết quả đã đạt được trong thực hiện Quy chế phối hợp giữa ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam đặc biệt đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học; Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự quyết tâm cao của lực lượng Kiểm lâm và sự ủng hộ của các nhà khoa học đã hạn chế được những chế tài trong quản lý rừng giữa các tỉnh (Ninh Bình là rừng đặc dụng, Hà Nam là rừng sản xuất, Hòa Bình là rừng phòng hộ và rừng sản xuất). Đồng chí nhận định trước mắt với công tác bảo tồn loài Voọc Mông trắng cần có kế hoạch hành động tạo vùng sống an toàn, thích nghi với loài đồng thời phải thiết thực hiệu quả nhất; qua thí điểm tái thả 03 cá thể Voọc mông trắng vào Đảo Ngọc của quần thể danh thắng Tràng An đến nay đã sinh sản được 01 cá thể cho thấy đây là môi trường sống an toàn và thích hợp để bảo tồn loài ngoài tự nhiên trong giai đoạn hiện nay. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các cấp xây dựng Kế hoạch quản lý rừng bền vững năm 2022 trên cơ sở các Phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt trong đó có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và Khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường Hoa Lư; để thực hiện tốt các Phương án quản lý rừng bền vững cần sự hộ trợ của FFI và các chuyên gia, nhà khoa học trong việc điều tra đa dạng sinh học tại quần thể danh thắng Tràng An từ đó có cơ sở, định hướng trong việc bảo tồn và phát triển các loài động thực vật đặc biệt là loài Voọc Mông trắng.
Những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng như chỉ đạo của đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình không chỉ phù hợp với thực tiễn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học loài Voọc Mông trắng tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long mà còn mở ra định hướng trong việc phát triển và mở rộng vùng sống an toàn cho loài trong tương lai.
Người viết bài: Lê Thị Cúc- Chi cục Kiểm lâm