LÂM NGHIỆP

+A =A -A

Bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn gắn với phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn

Thứ Năm, Ngày 14/07/2022

 

 

 

 

Rừng ngập mặn Kim Sơn

 

      Ngày 26 tháng 6 năm 2022 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn, giai đoạn 2022-2030, một trong những quan điểm của Nghị quyết: “Phát triển vùng kinh tế ven biển Kim Sơn gắn với bảo vệ hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, giữa lợi ích của người dân và các bên liên quan” và “Đảm bảo quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái tự nhiên vùng ven biển; tập trung đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, bảo vệ phát triển hệ sinh thái vùng ven biển”. Nghị quyết số 11- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và nhiệm vụ “bảo vệ, đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển” theo Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 03/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kim Sơn là vùng đất nằm giữa hạ lưu hai con sông Càn và sông Đáy là vùng đất tiếp giáp biển của tỉnh Ninh Bình, với chiều dài bờ biển không lớn chỉ gần 18km nhưng hàng năm tốc độ bồi tụ ra biển từ 80 - 100m, là vùng đất thích hợp để phát triển nuôi trồng thủy hải sản và trồng rừng ngập mặn. Khi nền kinh tế mở cửa, xu hướng nuôi trồng thủy hải sản ven bờ đầu những năm 2000 phát triển rầm rộ trên khắp cả nước, tình trạng xâm lấn, phá rừng phòng hộ ven biển lấy đất nuôi trồng thủy hải sản diễn ra dẫn đến diện tích rừng ngập mặn ven biển dần bị thu hẹp. Mất rừng đồng nghĩa với bờ biển đã mất đi hành lang bảo vệ đất do sóng đánh trực tiếp vào bờ, vào thân đê gây sạt lở; vùng đất ven biển mất đi tấm chắn bảo vệ khi có gió, bão; môi trường sống ô nhiễm khi rừng ngập mặn không còn để loại bỏ khí thải nhà kính ra khỏi bầu khí quyển, lọc sạch nước cho hệ sinh thái xung quanh...Môi trường ô nhiễm kéo ngành nuôi trồng thủy hải sản bị ảnh hưởng nặng nề do đây là ngành chịu sự phụ thuốc rất lớn vào chất lượng môi trường đất, nước, không khí do đó phát triển kinh tế ven biển bền vững phải gắn chặt với bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.

 

      Trong các năm qua Chi cục Kiểm lâm đã hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp thông qua công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Đối với vùng đất ven biển Kim Sơn công tác phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học luôn được chú trọng hàng đầu; diện tích rừng và đất lâm nghiệp huyện Kim Sơn hiện nay là 1.588,90 ha (tăng 155,96ha so với năm 2016 - năm 2016 diện tích rừng và đất lâm nghiệp huyện Kim sơn là 1.432,94ha); diện tích rừng là 765,91ha (tăng 148,65ha so với năm 2016 - năm 2016 diện tích rừng huyện Kim sơn là 617,26ha) - Theo Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 19/01/2022 của UBND huyện Kim Sơn về việc công bố hiện trạng rừng trên địa bàn huyện Kim Sơn năm 2021. Hệ thống rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn không chỉ có tác dụng phòng hộ chắn sóng giữ đất, chống bão, gió mà còn có ý nghĩa hết sức to lớn đối với bảo tồn đa dạng sinh học vùng ven biển. Rừng ngập mặn được bảo vệ và phát triển tạo nên môi trường sống của nhiều loài thủy hải sản dưới nước và hệ sinh thái động thực vật… hình thành nơi trú ngụ của nhiều loài chim đặc biệt là vào mùa chim di cư. Kết quả trên không chỉ là sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp, ngành mà còn là sự cố gắng, nỗ lực, đồng lòng của tập thể lãnh đạo và công chức, viên chức, người lao động Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình. Với đặc thù địa hình rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn nằm xen lẫn với diện tích nuôi trồng thủy hải sản của người dân, diện tích manh mún gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; kinh tế vùng ven biển Kim Sơn hiện nay chủ yếu dựa vào nuôi trồng thủy, hải sản với trình độ dân trí chưa cao, đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm một nửa dân số, những yếu tố trên là cản trở trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Chi cục Kiểm lâm đã có những giải pháp nhằm khắc phục khó khăn là:

 

      Tăng cường công tác tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, nổi bật là Chi cục đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 01/2009/CT-UBND ngày 14/4/2009 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã; tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật …trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và triển khai tổ chức thực hiện.

 

      Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra người dân sống, lao động gần rừng tuân thủ pháp luật lâm nghiệp; kịp thời phát hiện chấn chỉnh và ngăn chặn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.

 

 

Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các ban, ngành thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ các loài chim hoang dã vào mùa Chi di cư trên địa bàn huyện Kim Sơn

 

      Tăng cường công tác hợp tác trong kêu gọi vốn đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ lâm sản...Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại với diện tích trồng mới rừng phòng hộ là 240ha và diện tích trồng bổ sung/phục hồi rừng là 20 ha trên địa bàn huyện Kim Sơn (thời gian thực hiện từ 2021-2024). Dự án không chỉ phát triển và phục hồi hệ thống rừng ngập mặn ven biển mà còn mang lại sinh kế cho người dân các xã có rừng thông qua các hoạt động tham gia trồng, phục hồi rừng, bảo vệ rừng và các hoạt động đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực, hỗ trợ phát triển các sản phẩm địa phương (theo chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCCOP) hỗ trợ nâng cao chất lượng và giá trị thương hiệu Mật ong sú vẹt - sản phẩm từ rừng ngập mặn; người dân và cộng đồng dân cư cũng được hưởng lợi từ việc rừng ngập mặn được phục hồi và phát triển bền vững từ nguồn lợi thủy hải sản dưới tán rừng được phát triển cũng như rừng góp phần to lớn trong việc bảo vệ hiệu quả vùng bờ biển, đê điều, bảo vệ khu vực nuôi trồng thủy hải sản của người dân trong đê; rừng ngập mặn cũng góp phần quan trọng trong việc lưu giữ phù du, chất dinh dưỡng ở các bãi triều nơi nhiều hộ dân đang phát triển nuôi Ngao có giá trị kinh tế rất cao. Phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn nhằm tăng giá trị gia tăng của rừng ven biển, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân đồng thời góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu quản lý rừng bền vững, xã hội hóa nghề rừng...

 

      Các giải pháp trên góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và lợi ích của rừng ngập mặn, từ chuyển biến về nhận thức sẽ chuyển biến về hành động trong công tác bảo vệ rừng của người dân để giữ rừng không còn là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi người dân vùng ven biển Kim Sơn góp phần đưa Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn, giai đoạn 2022-2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình thực sự đi vào cuộc sống.

 

 

 

 

 

 

 

Lê Thị Cúc

 


            

 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3687708
Số người trực tuyến:25
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn