Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 là thời điểm khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung và các doanh nghiêp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói riêng do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Các khu du lịch đóng cửa, trạm dừng nghỉ vắng khách, quy trình vận chuyển hàng hóa và các hình thức gửi hàng gặp khó khăn… Đây là những thách thức lớn đối với các sản phẩm đặc biệt là sản phẩm đặc sản của địa phương như: Cơm cháy, nem chua, thịt dê… dẫn đến một số cơ sở tạm ngừng hoạt động, số còn lại thu nhỏ quy mô hoặc hoạt động cầm chừng.
Từ tháng 5 năm 2022 đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các hoạt động dần trở lại trạng thái bình thường mới, đây là cơ hội cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm. Để phát triển sản xuất đòi hỏi các đơn vị phải thay đổi phương thức kinh doanh, thiết lập kênh thị trường mới thay thế thị trường đã bị gián đoạn. Mặt khác cần cân đối lại các khâu sản xuất để đối phó với việc giá cước vận chuyển, vật tư đầu vào ngày một cao nhưng vẫn đảm bảo giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức phù hợp. Đây là một bài toán khó, để thực hiện được đòi hỏi các đơn vị phải nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh một cách chi tiết, bài bản.
Ông Lê Hữu Hảo, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thực phẩm Linh Phương chia sẻ: Trước khi dịch bệnh xảy ra, sản phẩm cơm cháy của doanh nghiệp chủ yếu phân phối tại các trạm dừng nghỉ, các khu thăm quan du lịch trên địa bàn tỉnh và một số các tỉnh lân cận theo hình thức bán trực tiếp hoặc ký gửi. Tuy nhiên, với đặc tính sản phẩm của cơm cháy có hạn sử dụng ngắn (06 tháng), khi dịch bệnh xảy ra lượng khách tại các địa điểm trên thưa thớt, nhiều khi phải thu hồi sản phẩm hết hạn về để tiêu hủy gây thất thoát lớn cho doanh nghiệp. Khi đỉnh dịch năm 2021 diễn ra, để duy trì bắt buộc doanh nghiệp phải thu nhỏ quy mô sản xuất, cắt bớt nhân công, tìm kiếm thị trường nhỏ lẻ, thực hiện bán hàng trực tiếp không qua các kênh trung gian. Khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp cũng như các đơn vị khác bắt tay vào việc khôi phục sản xuất, ngoài việc cải tiến kỹ thuật, cắt bớt nhân công, khó khăn nhất vẫn là việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới thay thế thị trường đã bị gián đoạn, không phù hợp với tình thế hiện tại. Đang loay hoay trong việc tìm phương án kinh doanh mới, rất may mắn từ cuối tháng 3 năm 2022 đến nay doanh nghiệp được tham gia các Hội chợ, các Đoàn khảo sát nghiên cứu, tìm hiểu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản an toàn theo chuỗi giữa Ninh Bình và các tỉnh do Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổ chức. Đây là cơ hội lớn để Doanh nghiệp thiết lập lại thị trường, các kênh tiêu thụ mới. Thay vì việc bán hàng ký gửi tại các trạm dừng nghỉ, các địa điểm tham quan, du lịch như trước đây thì hiện nay sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại các điểm bán hàng OCOP của các tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh...Đặc biệt quá trình tham gia Hội chợ không những giúp hình thành các điểm phân phối mới mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận được các khách hàng lẻ, mỗi khi có dịp du lịch qua Ninh Bình hoặc cần mua hàng, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp và được gửi hàng nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí qua các khâu trung gian. Đây là một hướng đi tương đối đúng đắn, phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ như doanh nghiệp tư nhân sản xuất thực phẩm Linh Phương.
Sản xuất cơm cháy tại Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thực phẩm
Linh Phương
Ông Phạm Ngọc Thành, phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: Sản phẩm của Công ty có 2 thị trường đó là trong nước và xuất khẩu, trong đó chủ yếu là xuất khẩu. Là một doanh nghiệp có thâm niên hơn 60 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, đội ngũ cán bộ công nhân viên dày dặn kinh nghiệm, có thị trường tiêu thụ bền vững trong nước và nước ngoài, sản xuất chủ yếu theo hợp đồng, đơn đặt hàng, các sản phẩm chủ yếu được xuất qua đường biển, một số qua đường biên. Vì vậy vào thời điểm đỉnh dịch Covid – 19 năm 2021 hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc lưu thông hàng hóa tại các nước nhập khẩu bị trì trệ dẫn tới việc kéo dài thời gian lưu trữ hàng hóa tại các cảng biển, cảng chu chuyển làm tăng chi phí, tồn đọng vốn. Hiện nay khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động trong nước và quốc tế dần trở lại trạng thái bình thường, thay vì việc trao đổi thông tin qua các trang điện tử như trước đây, công ty đã nhanh chóng lên kế hoạch thành lập các đoàn công tác tham gia các Hội chợ quốc tế để tiếp tục tìm kiếm những thị trường tiềm năng mới. Mặt khác, công ty cũng chú trọng việc mở rộng các vùng nguyên liệu, sẵn sàng thu mua các nông sản không phải vùng nguyên liệu của công ty nhưng đến vụ thu hoạch gặp khó khăn trong tiêu thụ như: Xoài tại Sơn La, dứa tại Lào Cai…khi có sự kêu gọi của người dân, cơ quan quản lý nhà nước.
Sản xuất chanh leo tại Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao
Nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh, thời gian vừa qua ngoài việc tổ chức các Đoàn tham gia Hội chợ, khảo sát nghiên cứu, tìm hiểu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Ninh Bình còn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh, quản trị kinh doanh, kỹ năng bán hàng, làm việc theo nhóm, quản lý chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Từ đó giúp các doanh nghiệp, cơ sở đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở quy mô vừa và nhỏ có kiến thức về xúc tiến thương mại, kỹ năng phát triển thị trường, kỹ năng kinh doanh, kỹ năng bán hàng.
Hy vọng rằng trong thời gian tới với sự lỗ lực học hỏi, đổi mới của các đơn vị, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh khôi phục sản xuất, phát triển, mở rộng thị trường nhanh và hiệu quả nhất.
Nhữ Thị Hoàn