LÂM NGHIỆP

+A =A -A

Hệ sinh thái thực vật trên vùng núi đá vôi tỉnh Ninh Bình

Thứ Tư, Ngày 20/07/2022

 

      Ninh Bình là một tỉnh nằm phía nam của đồng bằng sông Hồng với dải đá trầm tích phía Tây và nằm ở điểm mút của cạnh đáy tam giác châu thổ sông Hồng. Diện tích rừng và đất tự nhiên không lớn, diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng: 30.507,56ha; diện tích có rừng toàn tỉnh là: 27.253,79ha; tỷ lệ che phủ là 19,65% (Quyết định 106/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc công bố hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2021) nhưng lại đa dạng về địa hình từ vùng núi, đồng bằng, đất ngập nước, ven biển hình thành nên các hệ sinh thái đa dạng và phong phú, bao gồm 5 hệ sinh thái đặc trưng: Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái gò đồi, hệ sinh thái vùng đồng bằng, hệ sinh thái các thủy vực và hệ sinh thái vùng ven biển. Đa dạng hệ sinh thái nên rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tuy có trữ lượng gỗ không cao nhưng lại rất có giá trị về tính đa dạng sinh học góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương thông qua hoạt động khai thác du lịch sinh thái và giá trị to lớn hơn của rừng mang lại đó là chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ chất lượng nước, bảo vệ đất, tái tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học, điều hòa khí hậu...rừng trên núi đá vôi chiếm diện tích lớn toàn tỉnh: 22.868,37ha (83,908%) với nhiều loài thực vật quý, hiếm đặc biệt trong số đó có nhiều loài cây dược liệu có giá trị cao trong y học. Tuy nhiên do ảnh hưởng của phát triển kinh tế trong thời kỳ mới mở cửa hội nhập, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng do con người xâm hại tài nguyên rừng để lấy nguyên liệu phục vụ sản xuất như: khai thác gỗ, củi, đá, thức ăn, thuốc chữa bệnh, cây cảnh, lấy đất canh tác...nhiều thực vật quý có giá trị cao bị suy giảm nhanh chóng và ở mức báo động như: Sưa, Nghiến, Vù hương, Re hương, Kim tuyến đá vôi; Hài xoăn; Trà hoa vàng, Cốt toái bổ, Tắc kè đá...

 

      Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi tỉnh Ninh Bình là một hệ sinh thái đặc biệt rất nhạy cảm, có lịch sử địa chất lâu dài, được hình thành trên nền đất đặc biệt là đá vôi, điều kiện thuỷ văn thường là khô hạn, hệ sinh vật đặc thù, mang tính chỉ thị, đó là những nhóm loài ưa sống trong điều kiện khắc nghiệt vì vậy nếu bị phá huỷ thì rất khó có thể khôi phục. Sự tái sinh các loài cây trên núi đá vôi rất khó và chậm chạp, có khi phải mất hàng nghìn năm mới trở thành các cây cổ thụ, việc khôi phục hệ sinh thái rừng nói chung và các loài thực vật nói riêng ở vùng núi đá vôi là hết sức khó khăn. Với tình hình thực tiễn và yêu cầu cần phải sớm có những hành động để bảo vệ và phát triển bền vững hệ thống rừng trên địa bàn tỉnh, ngày 30/9/2021 Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 1077/QĐ - UBND về việc phê duyệt đề cương, dự toán nhiệm vụ điều tra thành phần, phân bố các loài thực vật có giá trị và đề xuất các giải pháp bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng vùng núi đá vôi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhiệm vụ trên được triển khai thực hiện trong hai năm 2021-2022.

 

 

Điều tra thực địa

 

      Theo kế hoạch và tiến độ của nhiệm vụ, quý II năm 2022, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp cùng Viện sinh thái rừng và Môi trường thuộc Đại học Lâm nghiệp tiến hành điều tra thực địa. Kết quả điều tra thực địa cho thấy hệ thực vật vùng núi đá vôi của tỉnh Ninh Bình khá phong phú và đa dạng, trong tổng số 966 loài thực vật tại vùng núi đá vôi tỉnh Ninh Bình có 711 loài có ích (chiếm 73,60% tổng số loài của hệ thực vật), có nhiều loài cây cho 2, 3, 4 công dụng khác nhau nên tổng số lượt loài có ích lên tới 1.009 lượt loài, các loài thực vật ở trên núi đá vôi tỉnh Ninh Bình phân bố trong 612 chi. Hệ thực vật trên núi đá vôi tỉnh Ninh Bình không chỉ đa dạng về thành phần loài mà còn đa dạng về giá trị sử dụng: cho gỗ là 135 loài (13,98%), cho sản phẩm sợi là 23 loài (2,38%), cho thực phẩm là 94 loài (9,73%), làm thuốc là 548 loài (56,73%), chiết xuất (dầu, nhựa) là 27 loài (2,8%), sản phẩm khác là 182 loài (18,84%).

 

      Hệ thực vật trên núi đá vôi tỉnh Ninh Bình không những đa dạng về thành phần loài mà còn đa dạng về giá trị sử dụng tài nguyên rừng, đa dạng các loài cây bị đe doạ. Ở khu vực khảo sát đã ghi nhận 72 loài loài thực vật đang bị đe doạ, chủ yếu là cây cảnh, cây dược liệu, rau rừng do đời sống của người dân được nâng cao thì xu hướng quay lại sử dụng các sản phẩm thuốc có nguồn gốc thảo dược để phòng và trị bệnh trở nên phổ biến và khai thác lâm sản ngoài gỗ để phục vụ du lịch cũng là một trong những yếu tố đe dọa tới các loài thực vật trên núi đá vôi.

 

      Từ kết quả điều tra thành phần, phân bố các loài thực vật có giá trị, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình đã đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững các loài thực vật có giá trị. Một trong các giải pháp hiện nay Chi cục đang áp dụng hiệu quả là: Trồng nông lâm kết hợp để phát triển các loài thực vật có giá trị; thực hiện mô hình, dự án theo nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng Nhân dân tỉnh, Nghị quyết số113/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng Nhân dân tỉnh như: mô hình trồng cây Trám ghép (Bùi Kỳ lão - huyện Nho Quan), mô hình Trồng cây Dổi ghép lấy quả xen cây dược liệu dưới tán có ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm (huyện Gia Viễn); Mô hình Phục hồi, nuôi dưỡng, làm giàu rừng tự nhiên rừng nghèo kiệt, gia tăng các giá trị về dịch vụ môi trường rừng và lâm sản ngoài gỗ (huyện Nho Quan)...một số mô hình cây dược liệu dưới tán rừng, cây ăn quả bước đầu đã có kết quả. Năm 2022 Chi cục Kiểm lâm thực hiện 02 mô hình lĩnh vực lâm nghiệp theo Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 21/4/2022 của UBND tỉnh (Mô hình trồng cây Trám ghép xen cây dược liệu dưới tán có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm - địa điểm triển khai: huyện Gia Viễn. Mô hình trồng cây lâm nghiệp kết hợp trồng cây Sim và cây dược liệu có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm- địa điểm triển khai: huyện Gia Viễn). Các mô hình góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống thông qua thu nhập từ cây ngắn ngày (Đinh Lăng, Trà Hoa Vàng, cây Măng Tây) và các sản phẩm chính theo chu kỳ; từng bước thay đổi nhận thức trong đầu tư của các hộ làm kinh tế đồi rừng, chuyển đổi từ những cây truyền thống có giá trị thấp sang mạnh dạn đầu tư cùng với sự hỗ trợ của nhà nước trồng những cây có tiềm năng đem lại giá trị cao hơn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng.

 

      Đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện nhiệm vụ điều tra thành phần, phân bố các loài thực vật có giá trị và đề xuất các giải pháp bảo tồn sử dụng và phát triển bền vững vùng núi đá vôi trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh công bố kết quả điều tra.

 

 

 

 

 

Lê Thị Cúc 

 

 


            

 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3696611
Số người trực tuyến:38
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 4 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn