Với sự quyết tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, với nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp nhằm thực hiện tốt các nội dung và giải pháp của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sau gần 2 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã đạt được một số kết quả bước đầu rất tích cực. Năm 2015 là năm đầu thực hiện tái cơ cấu, tốc độ tăng giá trị sản xuất của toàn ngành so với năm 2014 đạt 2,1%, giữ vững được tăng trưởng ổn định. Đến tháng 6 năm 2016, tốc độ tăng giá trị sản xuất của toàn ngành đạt 2,2% so với cùng kỳ năm 2015. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác cũng được tăng lên từ 96 triệu đồng năm 2014 đến nay ước đạt 100 triệu đồng.
Trong 9 tháng năm 2016, Sở đã tích cực hướng dẫn, phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tái cơ cấu cấp huyện theo lợi thế của từng địa phương với các đối tượng cây con chủ lực; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất mới, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị gia tăng.
Sản xuất nông nghiệp bước đầu theo định hướng và nhu cầu thị trường gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối với cây lúa, từng bước chuyển dần sang sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao, phương thức sản xuất lúa đang được cải tiến như gieo thẳng, tưới nước tiết kiệm, hiệu quả sản xuất tăng từ 10-15%. Chuyển đổi nhanh theo quy định những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang chuyên canh cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cây trồng hàng năm có hiệu quả kinh tế cao hơn… Tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao và tổ chức xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, quy mô công nghiệp, an toàn sinh học. Một số địa phương đã hình thành phong trào chuyển đổi diện tích đất trũng canh tác lúa bấp bênh sang nuôi lúa - cá hoặc chuyên canh thủy sản có giá trị cao (Cụ thể: Toàn tình tổng diện tích chuyển đổi đất lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi cá, chuyên cá, cây khác kết hợp nuôi trồng thủy sản trên 3,7 nghìn ha. Trong đó: đất 2 lúa chuyển đổi là 3,3 nghìn ha, (chủ yếu sang lúa-cá: 2,3 nghìn ha; chuyên cá: 522,3 ha); đất 1 lúa chuyển đổi sang chuyên màu: 356,1 ha. Đơn vị có diện tích chuyển đổi lớn là Gia Viễn, Nho Quan và Thành phố Tam Điệp). Tích cực triển khai chính sách đặc thù do HĐND tỉnh ban hành để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn trong sản xuất nông sản đang được phổ biến và nhân rộng./.
Ban biên tập