Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường
TRỒNG TRỌT - BẢO VỆ THỰC VẬT

+A =A -A

Phát triển vụ Đông theo hướng thực chất, hiệu quả

Thứ Hai, Ngày 12/12/2022

 

Vụ Đông 2022, bà con nông dân sản xuất trong điều kiện hết sức khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, thiếu lao động, giá vật tư đầu vào tăng cao... Tuy nhiên, đây chính là phép thử để sàng lọc, loại bỏ những mô hình sản xuất theo phong trào, hình thức, đưa vụ Đông phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả, có sự liên doanh liên kết giữa các "nhà", tạo chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
Trồng dưa trong nhà lưới - Mô hình mới trong sản xuất vụ Đông năm 2022. Ảnh: Hông Giang
Một vụ sản xuất nhiều khó khăn 
Từ trước đến nay, do yếu tố thời tiết, khí hậu, sản xuất vụ Đông gần như là vụ khó khăn nhất trong năm. Đặc biệt ở vụ Đông năm nay, thời tiết diễn biến vô cùng phức tạp. Đợt mưa lớn cuối tháng 9, đầu tháng 10 kéo dài nửa tháng với lượng mưa lên đến hàng trăm mm, đúng vào giai đoạn cao điểm của sản xuất vụ Đông đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Những nơi ruộng trũng, ngập nước, bà con không thể làm đất, gieo trồng được; nơi đất cao ráo hơn, nông dân xuống giống được thì sau cây trồng cũng bị thối hỏng, sinh trưởng, phát triển kém. 
Không chỉ đối mặt với những bất lợi về thời tiết, vụ Đông năm nay còn "vấp" phải vấn đề nan giải về quỹ đất dành cho sản xuất. Nguyên nhân do vụ lúa Xuân thu hoạch muộn hơn so với cùng kỳ nhiều năm từ 10 - 15 ngày dẫn đến thời vụ vụ Mùa bị đẩy lùi, khó khăn cho việc giải phóng đất gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm. Ở một khía cạnh khác, sau khi dịch COVID - 19 được khống chế, các hoạt động công nghiệp, dịch vụ trở lại như thời điểm trước dịch, đã kéo theo một lượng lớn lao động nông thôn dịch chuyển ra các thành phố lớn. Điều này khiến cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã thiếu, nay càng thiếu hơn. Ở nhà làm ruộng chủ yếu là phụ nữ, người già... 
Ngoài ra, khâu bảo quản, chế biến sản phẩm vụ Đông còn nhiều bất cập, thị trường đầu ra còn khó khăn, phổ biến tình trạng được mùa, mất giá. Giá vật tư đầu vào: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Các đối tượng dịch hại diễn biến phức tạp, đặc biệt là chuột... cũng là những thách thức chung trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. 
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, vụ Đông năm 2022, Ninh Bình phấn đấu gieo trồng gần 7.800 ha cây rau màu các loại. Tuy nhiên đến cuối tháng 11, toàn tỉnh mới xuống giống được gần 6.000 ha (đạt gần 77% kế hoạch đề ra). Trong đó, nhiều loại cây đông sớm, ưa ấm như: ngô, khoai lang, đậu tương, bí xanh không đạt kế hoạch diện tích như đã định. 
Khảo sát thực tế tại một số địa phương trước đây được coi là điển hình trong sản xuất vụ Đông, chúng tôi nhận thấy nhiều nơi sản xuất đã bị thu hẹp. Điển hình như cánh đồng thôn Miễu, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, nếu như những năm trước thời điểm này đã bạt ngàn, xanh ngắt nào đậu, ngô, rau dưa các loại thì năm nay chỉ lác đác vài luống ngô, dăm gốc bí, mảnh đậu tương xơ xác nằm xen lẫn với cỏ và lúa chét. Những nông dân ở đây chia sẻ: Thời tiết năm nay khắc nghiệt, mưa nhiều nên cây trồng không phát triển được, ngã đổ, sâu bệnh, hỏng gần hết. Đầu tư bao công sức, chi phí phân bón mà không có thu, cứ đà này bà con cũng nản không muốn làm nữa. 
Chị Đỗ Thị Mai, xã viên HTX Thọ Bình, Yên Phong (Yên Mô) chăm sóc 6 sào ngô Việt Thái được gia đình trồng từ đầu tháng 10.
Ở nơi cây vụ Đông vẫn "đứng vững" 
Qua lời giới thiệu của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô, chúng tôi tìm về HTX Thọ Bình (xã Yên Phong), cánh đồng ngô ngọt đang độ thu hoạch, đều tăm tắp, trải dài bát ngát. Ninh Bình đất đai hạn hẹp nên không dễ để tìm thấy một cánh đồng ngô rộng và đẹp như vậy. Đón chúng tôi trên con đường nội đồng mới trải bê tông, đồng chí Giám đốc HTX Thọ Bình Nguyễn Công Đoàn thông tin: Năm nào cũng vậy, HTX đều ký kết hợp đồng với các công ty để sản xuất 2 vụ ngô ngọt với diện tích khoảng 25-30 ha/vụ. "Trong bối cảnh như hiện nay, để làm được điều này không đơn giản. Thứ nhất, phải đảm bảo cho nông dân có lãi, trồng cây gì cũng phải có liên kết với doanh nghiệp để yên tâm về giá cả và đầu ra cho sản phẩm. Thứ hai, cán bộ HTX phải đứng ra làm trước để nêu gương, vậy nên hầu như mỗi thành viên Ban lãnh đạo HTX chúng tôi đều làm 2-3 mẫu ruộng. Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch sản xuất cũng phải được thực hiện một cách bài bản, linh hoạt và sáng tạo. Điều quan trọng nữa là phải tìm ra phương thức canh tác phù hợp để nông dân làm ruộng một cách nhàn nhất, đưa máy làm đất, máy lên luống vào, ngô thì không phải bô cây nữa mà trồng thẳng trên ruộng, chuột đã có HTX đứng ra tổ chức đánh bắt..." - Giám đốc HTX Thọ Bình chia sẻ. 
Bà Đinh Thị Mại, nông dân ở xóm 2, thôn Thọ Bình, xã Yên Phong đang chăm sóc cho 6 sào ngô phấn khởi cho biết thêm: tùy thuộc vào năng suất, giá cả mỗi vụ khác nhau, nhưng một sào ngô ngọt tối thiểu chúng tôi cũng thu lãi khoảng 2 triệu, năm nào được giá lên tới 5-6 triệu. Bởi vậy, mấy trăm hộ dân ở đây, vụ Đông nào cũng duy trì sản xuất, không bỏ ruộng bao giờ. 
Thực tế vụ Đông luôn là vụ sản xuất hàng hóa đem lại thu nhập cao. Như năm 2021, giá trị sản xuất vụ Đông của tỉnh đạt 1.064,6 tỷ đồng, trung bình 1 ha vụ Đông cho giá trị bình quân 130,8 triệu đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn như hiện nay thì giải pháp nào để duy trì diện tích, cũng như đảm bảo được hiệu quả, giá trị, tính bền vững của sản xuất vụ Đông là một vấn đề cần đặt ra. 
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nhiều năm nay, chúng tôi không quá coi trọng về vấn đề diện tích. Quan điểm của ngành là phát triển vụ Đông theo hướng thực chất, hiệu quả với quy mô hợp lý. Gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cao, quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân cho mượn đất, thuê đất để liên kết đầu tư sản xuất thành vùng tập trung. 
Để hoàn thành chỉ tiêu sản xuất vụ Đông đã đề ra và đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán năm 2023, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị các địa phương, HTX nông nghiệp tiếp tục gieo trồng nhóm cây ưa lạnh còn thời vụ như rau cải các loại, khoai tây muộn… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân. 
Nguồn: Báo Ninh Bình

            



Đánh giá cho bài viết này: Chưa có lượt đánh giá nào


 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 4011100
Số người trực tuyến:105
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 12 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
307.378
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 12 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(92.2 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:1229 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang