
Ảnh Lê Khắc Quyết
Ngày 22 tháng 5 năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học để kỷ niệm ngày Công ước về Đa dạng sinh học được thông qua ở Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề: “Từ thoả thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hoà với thiên nhiên” vào năm 2050.
Việt Nam với hệ sinh thái đa dạng, phong phú: hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, biển, núi đá vôi, gò đồi, cát ven biển,… với những nét đặc trưng của vùng bán đảo nhiệt đới, là nơi sinh sống và phát triển của nhiều loài hoang dã đặc hữu, có giá trị, trong đó có những loài không tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Việt Nam cũng là nơi được biết đến với nhiều nguồn gen hoang dã có giá trị, đặc biệt là các cây thuốc, các loài hoa, cây cảnh nhiệt đới, v.v… Tuy nhiên do ảnh hưởng của nhiều yếu tố: chiến tranh, thiên tai, phát triển kinh tế, phong tục tập quán…các hệ sinh thái bị thu hẹp và đa dạng sinh học suy giảm, có thời kỳ đến mức báo động. Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường, đa dạng sinh học tới sự phát triển bền vững của đất nước ngày 16/11/1994 Việt Nam chính thức gia nhập Công ước về Đa dạng sinh học và cũng từ đây hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học từng bước được hoàn thiện, phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia ký kết. Ở Việt Nam, các quy định pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học được hình thành từ khá sớm, ngay từ ngày đầu mới lập nước với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng công tác bảo vệ đa dạng sinh học đã được Chính phủ quan tâm, ngày 21/12/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 142/SL quy định về việc kiểm soát lập biên bản các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng có thể được coi là văn bản pháp luật đầu tiên đề cập đến vấn đề này, trước khi Luật Đa dạng sinh học năm 2008 được ban hành các quy phạm pháp luật về đa dạng sinh học nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật có giá trị pháp lý khác nhau như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (1991), Luật Bảo vệ Môi trường (1993), Pháp lệnh Thú y (1993), Pháp lệnh bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (1993) …tuy nhiên nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, sự cần thiết phải bảo vệ tính đa dạng của các nguồn tài nguyên sinh học chỉ thực sự được đánh dấu kể từ thời điểm Việt Nam phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học năm 1994.
Từ thay đổi về nhận thức đã đưa đến thay đổi về tư duy và hành động, đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Bảo tồn đa dạng sinh học đang ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với luật pháp quốc tế, là nền tảng để thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam thời gian qua, thành tựu đạt được trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã góp phần không nhỏ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường sống, chống biến đổi khí hậu toàn cầu và là cầu nối quảng bá hình ảnh, con người, văn hoá Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Ninh Bình là một tỉnh nhỏ phía nam đồng bằng Bắc Bộ nhưng mang đầy đủ các hệ sinh thái từ hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái ven biển, hệ sinh thái gò đồi, có thể nói là một Việt Nam thu nhỏ và cùng với tiến trình phát triển của đất nước đã có thời kỳ hệ sinh thái, đa dạng sinh học tại Ninh Bình bị tác động làm suy giảm số lượng và chất lượng. Tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên rừng, tài nguyên đất, tài nguyên khoán sản) bị con người khai thác một cách nhanh chóng phục vụ nhu cầu sống làm mất đi môi trường sống và phát triển của các loài động, thực vật: Voọc mông trắng, Gấu ngựa, báo gấm, Kỳ đà hoa, Cà cuống... gần như tuyệt chủng; một số loài cây thuốc Kim tuyến đá vôi; Hài xoăn; Trà hoa vàng, Cốt toái bổ, Tắc kè đá, Khôi tía, Củ dòm.. đã không còn dễ dàng tìm kiếm ngoài tự nhiên. Thời kỳ đầu tách tỉnh năm 1992, Ninh Bình được biết đến với biệt danh “Buồn - bực - bụi - bẩn” giờ đây đã chuyển mình trở thành một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất thế giới năm 2023 do tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn; đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, Di sản Tràng An trở thành hình mẫu, câu chuyện thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản.
Kết quả trên là thành tựu, công sức của các thế hệ lực lượng Kiểm lâm Ninh Bình đã đoàn kết, trách nhiệm vượt qua mọi thách thức, khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển các khu rừng trong tỉnh; ngay từ ngày đầu mới tách tỉnh Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nổi bật là: Xây dựng và tổ chức triển khai Dự án Khu rừng Văn hoá - Lịch sử - Môi trường Hoa Lư, là cơ sở quan trọng để hình thành quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là một di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới năm 2014; xây dựng và tổ chức triển khai Dự án Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, là điểm sáng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học được biết đến không chỉ ở Việt Nam mà còn ra khu vực và thế giới: sách kỷ lục guinness công nhận nơi có quần thể Voọc mông trắng nhiều nhất Việt Nam năm 2010; năm 2019 được thế giới ghi danh là khu Ramsa thứ 2360 của thế giới và thứ 9 của Việt Nam; ngày 18/9/2020 Ủy ban Danh lục xanh toàn cầu đã chính thức phê duyệt và chứng nhận Danh lục Xanh cho Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, vinh dự hơn đây là Khu bảo tồn đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đạt được danh hiệu này; tham mưu ban hành Chỉ thị số 01/2009/CT-UBND ngày 14/4/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã; tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam...đến nay đã hình thành các vùng chim vào mùa di cư như: Thung Nham, vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long... nhiều loài chim quý, hiếm đã xuất hiện trên địa bàn; hệ sinh thái rừng được bảo vệ đã thúc đẩy sự phục hồi và sinh trưởng của các loài động, thực vật đặc hữu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ phát triển lâm nghiệp thuần tuý sang mô hình nông - lâm kết hợp tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, cùng với du lịch sinh thái thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Trong thời gian tới Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình cần coi lịch sử là bài học để thay đổi tư duy, nhận thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung và công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng từ đó thúc đẩy sự thay đổi của chính quyền địa phương các cấp, các ban ngành và Nhân dân trong tỉnh trong công tác bảo tồn ta dạng sinh học.
Lê Thị Cúc - Chi cục Kiểm lâm