Sáng ngày 24/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức Hội thảo trực tiếp và trực tuyến về góp ý dự thảo Đề án “Phát triển hệ thống Logistics, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo và điều hành điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Văn Bách – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; đại diện một số đơn vị trực thuộc Sở: Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao và Xúc tiến thương mại, phòng Nghiệp vụ tổng hợp… và đại diện một số sở, ngành.

(Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Ninh Bình)
Sau phần phát biểu khai mạc, Hội thảo đã được nghe ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trình bày dự thảo Đề án “Phát triển hệ thống Logistics, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đề án tập trung đánh giá về thực trạng, chính sách phát triển Logistics gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện Đề án. Mục tiêu Đề án nhằm phát triển hệ thống logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông sản. Từ đó giúp nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam; thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ nông sản. Hiện đại hóa chuỗi cung ứng, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo cân đối cung cầu và nâng cao thu nhập cho người sản xuất kinh doanh nông sản.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số quan điểm, giải pháp đóng góp vào dự thảo Đề án “Phát triển hệ thống Logistics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Những yêu cầu đặt ra cần phải hoàn thiện hệ thống phát triển Logistics từ việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng kho bãi tại các vùng, cửa khẩu, cảng hàng không; các khâu chế biến, sản xuất, lưu kho, tối ưu hóa chi phí; vấn đề ứng dụng công nghệ, chính sách thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, kết nối hoàn thiện giữa các trung tâm Logistics…
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, từng bước đưa logistics trở thành đòn bẩy cho nông sản hàng hoá, doanh nghiệp cần có những trung tâm logistics khu vực.
Trước mắt, các ngành và địa phương sẽ sớm thực hiện các giải pháp để hình thành trung tâm logistics tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tại trung tâm này, tập trung các dịch vụ công có chức năng quản lý, hỗ trợ xuất nhập khẩu; có nơi tập kết hàng hoá nông sản, sơ chế, chế biến sâu; xây dựng hệ thống chuỗi kho lạnh để giảm bớt những tiêu hao trong quá trình vận chuyển…
Hiện, các bộ, ngành cũng đang phối hợp với các địa phương thực hiện đề án nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản từ hoạt động logistics. Trong đó, tập trung phát huy vai trò các hiệp hội doanh nghiệp, với các thương lái ở đầu nguồn thu hoạch, thu mua nông sản chủ động kết nối vào chuỗi hệ thống chung…
Đồng chí Trần Thanh Nam nhấn mạnh đặc thù của Logictics nông nghiệp Việt Nam đó là: Tính mùa vụ, tính địa bàn, phương thức và thời hạn bảo quản. Vì thế, để có thể phát triển Logistics một cách có hệ thống và phục vụ hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh nông sản thì cần phải có đề án riêng, có tính dài hạn và phải gắn kết vùng sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản vì thế việc xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050” là rất cần thiết.
Nhữ Thị Hoàn - Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản