
Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lĩnh vực Lâm nghiệp
Ngày 09 tháng 11 năm 2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị Quyết số 27-NQ/TW về tiếp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”. Để thực hiện mục tiêu trên Nghị quyết đã đề ra mười nhiệm vụ và giải pháp trong đó nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên là: “Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tuyên truyền lưu động
Trong các năm qua Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực thi pháp luật về Lâm nghiệp đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật Lâm nghiệp trong bối cảnh các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp thời gian qua thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Để “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp” hàng năm Chi cục đều xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, kế hoạch tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật Việt Nam” và triển khai thực hiện tới các phòng, ban, đơn vị trực thuộc; các hình thức tuyên truyền được triển khai linh động phù hợp với đặc điểm tình hình từng đơn vị và từng thời điểm do đối tượng tiếp nhận rất đa dạng từ khu vực công tới khu vực tư, từ người dân tới doanh nghiệp như tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền lưu động, ký cam kết, kết hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với kiểm tra xử lý vi phạm, viết bài tuyên truyền, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật trên mục “Tủ sách pháp luật” trên Trang thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải đáp kiến nghị của người dân qua số điện thoại đường dây nóng 0817.855.002.
Trong 10 tháng năm 2023 Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức 19 hội nghị tuyên truyền, tập huấn về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với 1.333 lượt người tham gia và 10 lượt tuyên truyền lưu động về công tác PCCCR và 01 cuộc tuyên truyền lưu động công tác bảo vệ các loài chim hoang dã; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý 23 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp với tổng số tiền thu nộp ngân sách là 133.759.000đ (thu phạt: 130.250.000đ, bán lâm sản: 3.509.000đ); xử lý vi phạm hành chính không chỉ ngăn chặn hành vi vi phạm, tăng thu ngân sách cho Nhà nước mà còn bổ trợ các nhiệm vụ khác như: Quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng…và xử lý vi phạm hành chính còn là biện pháp tuyên truyền, giáo dục, răn đe nhằm ngăn chặn ý định vi phạm sẽ xẩy ra trong tương lai. Việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp luôn được cân nhắc thận trọng để người vi phạm thấy đúng, thấy sự khoan hồng của pháp luật tránh tái phạm trong tương lai.
Triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới Chi cục Kiểm lâm cần tiếp tục “Đổi mới, đa dạng hoá, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, hướng đến thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen trong tiêu dùng, sản xuất, sinh hoạt góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững…”
Lê Thị Cúc - Chi cục Kiểm lâm