Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long
Công ước về các vùng Đất ngập nước (Công ước Ramsar, Iran, 1971) với sứ mệnh “bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua các hành động của địa phương, khu vực, quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới”. Các vùng đất ngập nước có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống con người thông qua các dịch vụ cung cấp, hỗ trợ, điều tiết và văn hóa. Những lợi ích mà vùng đất ngập nước mang lại giúp duy trì sự sống và là trung tâm của phúc lợi cho con người. Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đất ngập nước, Ban thư ký Công ước Ramsar đã đề nghị các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới vào ngày 02 tháng 02 năm 2024 với chủ đề “Đất ngập nước và Phúc lợi cho con người” với mục tiêu làm nổi bật mối liên hệ giữa phúc lợi cho con người với sức khỏe của các vùng đất ngập nước trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng trong các hoạt động quản lý của con người đối với các vùng đất ngập nước trên thế giới. Các hệ sinh thái lành mạnh hơn (trong đó có hệ sinh thái đất ngập nước), với đa dạng sinh học phong phú hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho con người như đất đai màu mỡ hơn, nguồn nước dồi dào và sạch hơn, lâm sản phong phú và nhiều hơn, đặc biệt lượng khí nhà kính được lưu trữ lớn hơn góp phần chống ô nhiễm môi trường không khí, ngăn chặn sự nóng lên của trái đất - đây không chỉ là lợi ích về môi trường mà còn là lợi ích về kinh tế trong thời gian tới khi tín chỉ các - bon rừng được giao dịch, trao đổi, mua bán.
Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cùng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể trong các năm qua Chi cục Kiểm lâm luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương đặc biệt là trong công tác bảo vệ và phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu Ramsa thứ 2360 của thế giới và thứ 9 của Việt Nam và đạt chứng nhận Danh lục Xanh của ỦY ban Danh lục xanh toàn cầu (Năm 2020); Khu rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn là một phần của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Hệ sinh thái các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từng bước được nâng cao với nhiều hệ động thực vật phong phú như: Vọoc Mông trắng, Cà cuống, Sưa đỏ, Chim, Cò...là ngôi nhà chung cho nhiều loài động, thực vật sinh sống và phát triển. Quản lý bảo vệ tốt các khu rừng trong tỉnh nói chung và hệ sinh thái đất ngập nước nói riêng đã góp phần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 Việt Nam bước vào giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, năm 2023 tổng số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 6.598,3 nghìn lượt khách, tăng 77,7% so với năm 2022 và vượt 23,3% so với kế hoạch năm. Doanh thu du lịch ước thực hiện gần 6.516,3 tỷ đồng, gấp 2,0 lần, vượt 26,5% so với kế hoạch năm.
Bảo vệ, phục hổi, phát triển các vùng đất ngập nước gắn liền với phúc lợi cho con người; không chỉ mang đến môi trường sống trong lành, cải thiện sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần mà còn mang lại lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động: phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp một cách bền vừng (nuôi ong lấy mật; nuôi trồng thuỷ, hải sản dưới tán rừng), du lịch sinh thái, bán tín chỉ các-bon rừng..., đây là một trong các chỉ số để đo lường phúc lợi kinh tế của một quốc gia (phúc lợi kinh tế là một khái niệm được sử dụng để đo lường mức độ phúc lợi hoặc sự thịnh vượng của một quốc gia, một khu vực hoặc một cá nhân). Các chỉ số để đo lường phúc lợi kinh tế gồm: tổng sẩn phẩm trong nước, chỉ số ghi đi đo lường mức độ bất bình đẳng thu nhập trong một quốc gia và một khu vực, chỉ số phát triển con người, chỉ số phát triển bền vững, chỉ số hiệu suất môi trường-đo lường diễn xuất môi trường của một quốc gia dựa trên các yếu tố như chất lượng không khí và nước, quản lý rừng, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Chim làm tổ trên Đầm Vân Long
Lê Thị Cúc - Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình