Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường
CHUYỂN ĐỔI SỐ

+A =A -A

CÁNH ĐỒNG KHÔNG DẤU CHÂN

Thứ Hai, Ngày 23/09/2024

          Trước thực trạng lao động trong sản xuất nông nghiệp đang bị già hóa và ngày càng thiếu hụt do sự chuyển dịch sang các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, du lịch. Để người làm nông nghiệp nói chung, người trồng lúa nói riêng bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm mạ, cấy, chăm sóc đến thu hoạch là xu thế tất yếu. Do đó, liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giữ vững và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, mang tính bền vững cao, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng MTM.

Trình diễn máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật và máy cấy tại Mô hình

         Với vai trò là cầu nối vững chắc trong liên kết 4 nhà, vụ Đông Xuân 2024 Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư Ninh Bình phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vân Trà, xã Yên Thắng huyện Yên Mô và Công ty Cổ phần Đại Thành tổ chức triển khai thực hiện Mô hình “Cánh đồng không dấu chân”.

        Với 5ha lúa kết hợp phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, mô hình được ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ 100%, từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy lúa, tưới tiêu, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân chăm sóc và thu hoạch. Công tác tổ chức thực hiện được triển khai phối hợp theo liên kết 4 nhà và được thực hiện đồng bộ từ khâu xây dựng kế hoạch sản xuất, chỉ đạo kỹ thuật, cung ứng vật tư, dịch vụ máy móc cho mô hình, phân công cán bộ phụ trách chỉ đạo kỹ thuật vận động nhân dân, hướng dẫn người dân thực hiện mô hình, theo dõi, tổng kết đánh giá kết quả. Doanh nghiệp đóng vai trò cung ứng vật tư sản xuất, cơ quan chuyên môn thực hiện công tác dân vận, kết nối, hướng dẫn các kỹ thuật sản xuất, hợp tác xã động viên nhân dân, cùng người dân trực tiếp thực hiện các khâu sản xuất, đồng thời người dân giữ thêm vai trò theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả và nhận sản phẩm.

        Các công nghệ tiên tiến, hiện đại được doanh nghiệp cung ứng và sử dụng đồng bộ theo tiến trình sản xuất. Từ khâu sử dụng thiết bị dẫn đường không người lái tích hợp vào máy làm đất và máy cấy. Do đó ngay từ khâu làm đất đã được máy móc chủ động thực hiện người dân không phải ra đồng, lội ruộng. Mạ cấy, được sử dụng giàn gieo tự động, gieo và chăm sóc, bảo quản tại sân của HTX cho đến lúc đủ tuổi cấy. Qua so sánh, một giờ một giàn gieo có thể gieo được từ 600-800 khay mạ, đáp ứng nhu cầu mạ cấy cho 10ha. Như vậy với phương pháp này, đa tiết kiệm nhiều công lao động, lượng giống giảm 10-15%, đặc biệt mạ gieo được bảo vệ an toàn, không lo rủi ro do thời tiết, khí hậu nhất là thời điểm giá rét vụ đông xuân và mưa lớn đầu vụ mùa, giúp hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của thời tiết so với việc gieo mạ ngoài trời. Khi làm đất cấy, sử dụng máy làm đất và thiết bị dẫn đường gắn vào máy cấy do đó máy không cần người lái, đất được làm bằng máy đảm bảo chất lượng kỹ, nhuyễn, phẳng, sạch cỏ dại. Ứng dụng công nghệ thông minh điều khiển từ xa để rải phân, bón lót, bón thúc đầy đủ theo định lượng, người dân thoát được cảnh lội ruộng, bưng bê vãi phân cực nhọc. Khi cấy, sử dụng máy cấy 6 hàng, đã được tích hợp thiết bị dẫn đường, trên máy chỉ còn 1 nhân lực để xếp mạ vào băng tải, đã giảm tối đa nhân lực và giảm được ½ chi phí so với sử dụng máy cấy thông thường; máy có tính năng điều chỉnh được số rảnh/khóm, số khóm/hàng, điều chỉnh được khoảng cánh hàng sông, hàng con đảm bảo sự phù hợp với từng chân đất và tập quán canh tác của người dân từng địa phương. Sau khi cấy xong, nước tưới tiêu được điều chỉnh theo phương pháp canh tác nông lộ phơi, hữu cơ để cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh và hạn chế cỏ dại, giảm phát thải. Khâu chăm sóc, rải phân bón thúc và phun thuốc BVTV do máy bay không người lái đảm nhận. Hợp tác xã ký cam kết nhận trách nhiệm về hiệu quả phòng trừ sâu bệnh khi người dân sử dụng dịch vụ máy bay, nên người dân tin tưởng và chủ động hợp tác. Anh Đinh Xuân Nam - Giám đốc HTX Vân Trà phấn khởi chia sẻ “Hợp tác xã có 335,5ha, trước đây bà con phải cấy rải rác trong vòng nửa tháng, từ hiệu quả mô hình vụ xuân 2024, trong vụ mùa toàn bộ người dân trong HTX tham gia mô hình liên kết sử dụng máy cấy, 5 máy cấy chỉ cấy xong trong vòng 5 ngày, rút ngắn dc 2/3 thời gian và quan trọng lúa được cấy tập trung đồng trà, tiện chăm sóc, theo dõi, quản lý sâu bệnh, không bị rải rác nhiều lứa, dễ phòng trừ, người dân đã được mắt thấy, tai nghe về sụ thành công của mô hình điểm nên rất tin tưởng và hăng hái tham gia”. Một mẫu ruộng trước đây, phun thuốc thì phải mất cả buổi thậm chí cả ngày cực nhọc lội bùn, rẽ lúa, đeo bình, phun thuốc, từ khi HTX có máy bay, kể cả các khâu nạp nhiên liệu, định vị bay và phun đến khi hoàn thành chưa đầy 10 phút”. Máy bay có thể mang được 40kg phân hoặc hạt giống, thuốc trừ sâu và đặc biệt là hiệu suất cao, có thể đạt tới 20 ha mỗi giờ. Sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, khô vằn gây hại trong vụ máy bay không người lái đã đảm bảo được tiến độ và chất lượng phòng trừ, hơn nữa đã giúp cho người dân tiết kiệm được 30-50% chi phí so với phương pháp truyền thống (trong đó giảm 30% thuốc trừ sâu và 90% nước cần sử dụng, hiệu quả hoạt động của nó gấp 30 lần so với lao động thủ công, đặc biệt nhất là sức khỏe người dân được bảo vệ khi không còn phải trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất độc hại”.

Cán bộ khuyến nông cùng HTX và doanh nghiệp kiểm tra chất lượng mạ cấy tại Mô hình

         Lúa trong mô hình được canh tác hợp lý, chăm sóc kịp thời, có thời gian đẻ nhánh tương đương lúa sản xuất truyền thống, cây lúa đẻ khỏe, số dảnh tối đa cao. Lúa trỗ đồng đều và tập trung, cùng trà lúa chung của vùng. Tình hình sâu bệnh được kiểm soát sớm, chủ động, phòng trừ đồng loạt, kịp thời điểm nên mang lại hiệu quả cao. Khi nhận dịch vụ HTX cùng cán bộ kỹ thuật Khuyến nông hoàn toàn chủ động trong khâu kiểm tra, đánh giá, phòng trừ cho người dân, không còn tình trạng sót, lỏi, sâu bị rải lứa, khó kiểm soát. Đặc biệt người dân không còn phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại. Khi lúa chín, khâu thu hoạch được sử dụng bằng máy gặt đập liên hợp, lúa được máy chủ động cắt, tuốt, quạt phân chia thóc lép mẩy, đóng bao. Mô hình đã ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, khép kín ở tất cả các khâu cho tới thu hoạch, nhận sản phẩm. Các máy móc được ứng dụng hoạt động ổn định, hiệu quả, đảm bảo kỹ thuật, giúp tiết kiệm giống và vật tư trong quá trình sản xuất, phù hợp với điều kiện canh tác lúa của địa phương, chất lượng dịch vụ tốt, giá thành hợp lý. Năng suất thống kê đạt tương đương lúa cấy truyền thống của người dân trong vùng. 

        Qua đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình so với hoạt động sản xuất cũ, khấu trừ các khoản chi phí, cho lợi nhuận cao hơn sản xuất đại trà là trên 300 nghìn đồng/sào. Chưa kể người dân không phải trực tiếp ra đồng, do đó có nhiều thời gian nông nhàn có thể làm thêm các nghề phụ, giúp nâng cao thu nhập cho gia đình. Lúa được sản xuất theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ, không chỉ tăng năng suất, mà còn giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 2-3%, bảo đảm tính thời vụ.

        Mô hình “Cánh đồng không dấu chân” là một minh chứng rõ nét, vượt trội của việc mang lại hiệu quả kinh tế cao khi ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa, góp phần giải phóng sức lao động cho người dân, giải được bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là tình trạng thiếu hụt lao động, già hóa lao động và trào lưu “ly nông” của người dân vùng nông thôn. Đồng thời mô hình khẳng định tính đúng đắn, tất yếu trong sản xuất nông nghiệp đó là hiệu quả của sự liên kết giữa 4 nhà, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân. Mô hình góp phần lan tỏa cho các địa phương tập tính áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để giải phóng sức lao động trong nông nghiệp, đồng thời gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh, đồng thời tạo sản phẩm có chất lượng cao. Từ đó, nông dân không còn phải lao động tay chân vất vả, chính quyền địa phương không phải lo đồng ruộng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai...

Nguyễn Thị Dịu - TTKNNB

 
 
 

 


            



Đánh giá cho bài viết này: Chưa có lượt đánh giá nào


 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 4026064
Số người trực tuyến:18
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 1 Năm 2025
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
307.378
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 1 Năm 2025
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(92.2 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:1229 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang
EMC Đã kết nối EMC