Kiểm tra rừng trồng phòng hộ ven biển
Ngày 11 tháng 9 năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 481/QĐ-SNN về việc thành lập Tổ công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải, tín chỉ khí các-bon ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình. Tín chỉ các-bon rừng là tín chỉ được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính (KNK) bao gồm: giảm mất rừng và suy thoái rừng (REDD+); tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng và tái tạo thảm thực vật (ARR) và hoạt động tăng cường quản lý rừng (IFM). Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trong các năm qua Chi cục Kiểm lâm đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; từng bước nâng cao chất lượng rừng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Ninh Bình thông qua hoạt động du lịch sinh thái tại các khu rừng trong tỉnh. Tuy nhiên tài chính phục vụ cho công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước cấp, từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình, từ nguồn viện trợ, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng khi thu nhập từ khoán bảo vệ rừng của các chủ rừng, hộ gia đình hiện nay rất thấp. Khoán bảo vệ rừng đặc dụng: 150.000đ/ha/năm, khoán bảo vệ rừng phòng hộ vùng đồi: 500.000đ/ha/năm, khoán bảo vệ rừng phòng hộ ven biển: 750.000đ/ha/năm.
Rừng phòng hộ ven biển Kim Sơn
Chi cục Kiểm lâm đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng thông qua việc giảm mất rừng và suy thoái rừng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 là 19,6%; tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 là 19,62%; công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng được quan tâm, từ 4 vụ cháy với diện tích thiệt hại 2,97ha năm 2020 đến nay trong 9 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng; giảm số vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp từ 31 vụ năm 2020 xuống còn 29 vụ năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024 phát hiện và xử lý 19 vụ. Công tác phát triển rừng trong những năm trở lại đây được chú trọng, trồng rừng mới tập trung từ năm 2020 đến nay được 1.715,09ha (trồng lại sau khai thác và trồng rừng đặc dụng, phòng hộ).
Để đạt được kết quả trên Chi cục đã triển khai nhiều biện pháp như: phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; sử dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của rừng đến cuộc sống; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các khu rừng trọng điểm trong những ngày nắng nóng, khô hanh kéo dài…Tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp tại địa phương nhằm cụ thể hoá các quy định của pháp luật tại địa phương nâng cao tính thực thi.
Phát triển các dự án tín chỉ các-bon rừng là cơ hội lớn cho các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi mà nhu cầu đối với loại hình tín chỉ này đang rất lớn trên thị trường các-bon. Thực hiện nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải, tín chỉ khí các-bon rừng sẽ tạo nguồn tài chính mới cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.
Lê Thị Cúc - Chi cục Kiểm lâm