Sáng ngày 07/11/2024, tại hội trường Sở Nông Nghiệp và PTNT, phố 4, đường Lê Hồng Phong, Phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình đã diễn ra hội nghị đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Phó giám độc Sở Đinh Văn Khiêm chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có Đại diện Lãnh đạo các phòng thuộc Sở: Văn phòng, Thanh tra, Kế hoạch - Tài chính, Nghiệp vụ - Tổng hợp; Lãnh đạo Chi cục, lãnh đạo các phòng, trạm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Đại diện Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố; Đại diện Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố; Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Báo Ninh Bình.
Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 03 bệnh trên đàn gia súc và gia cầm, cụ thể bệnh Cúm gia cầm chỉ xảy ra 02 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 02 xã Yên Đồng và Yên Phong, huyện Yên Mô thời điểm quý I/2024 với tổng số gia cầm phải tiêu hủy 2.949 con. So sánh với năm 2023, số xã có dịch giảm 50%, số huyện có dịch giảm 75%, số gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc giảm 52,2%. Trong năm 2024 đã xảy ra 01 ổ dịch Tụ huyết trùng tại xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, làm chết 03 con, trong đó 02 trâu cái sinh sản đang mang thai, 01 con nghé. Hiện tại, dịch bệnh đã được kiểm soát, không phát hiện lây nhiễm sang các đàn trâu, bò trong khu vực.
Đồng chí Triệu Văn Giang-trưởng phòng NVKT báo cáo kết quả năm 2024
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra lẻ tẻ, quy mô nhỏ ở một số địa phương, một số ổ dịch dây dưa từ cuối năm 2023 chuyển sang năm 2024. Số liệu cập nhật đến ngày 04/11/2024, toàn tỉnh còn 04 ổ dịch tại 04 xã: Khánh Cư, huyện Yên Khánh, Kỳ Phú, huyện Nho Quan và Yên Thịnh, Yên Đồng, huyện Yên Mô chưa qua 21 ngày. Lũy kế tổng số lợn tiêu hủy đến ngày là 961 con, trọng lượng tiêu hủy là trên 49,9 tấn. So sánh với cùng kỳ năm 2023, số xã có dịch giảm trên 50,7%, số lượng lợn phải tiêu hủy bắt buộc giảm 89,9%, trọng lượng tiêu hủy giảm 85,2%.
Tại hội nghị, các đại biểu tham gia thảo luận đóng góp ý kiến và bàn các giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật năm 2025 hiệu quả.
Đồng chí Đinh Văn Liêu - phó giám đốc trung tâm DVNN huyện Kim Sơn ý kiến về vấn đề tiêm vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi nên tiêm thử nghiệm trên diện hẹp và có sự cam kết của nhà sản xuất vắc xin, người chăn nuôi và có đánh giá hiệu giá kháng thể sau khi tiêm. Về việc lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng phân cấp từ chi cục Chăn nuôi và Thú y và các huyện, để đánh giá kháng thể sau tiêm phòng đạt hiệu quả, để đánh giá được đồng thời các loại vắc xin tiêm phòng trên các huyện, thành phố.
Đồng chí Vũ Quang Hưng- phó trưởng phòng Nghiệp vụ kỹ thuật chi cục Chăn nuôi và Thú y có ý kiến về việc cấp phát vắc xin tập trung tại huyện để khi có dịch bệnh xảy ra, có một lượng vắc xin, hoá chất để chống dịch và tiêm được bao vậy ngay, và khi có dịch, các cấp chính quyền từ huyện xuống xã xuống thôn cùng đồng loạt tham gia thì số lượng đầu gia súc, gia cầm được tiêm phòng tăng lên đáng kể so với những năm trước. Và đối với công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, nên tập huấn có trọng điểm đối với các bệnh đang lưu hành tại địa phương.
Đồng chí Vũ Quang Hưng-phó trưởng phòng NVKT ý kiến
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp, đồng chí Đính Văn Khiêm- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá về kết quả công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024:
- Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về phòng, chống dịch bệnh động vật khá đầy đủ, hoàn chỉnh (gồm Luật Thú y, Nghị định, Thông tư, Kế hoạch quốc gia, Kế hoạch của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương...).
- Công tác phối hợp giữa đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT với đơn vị chuyên môn của UBND cấp huyện (Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, TTDVNN các huyện, thành phố) tương đối chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc trao đổi thông tin, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để xử lý, khống chế dịch bệnh.
- Dịch bệnh trên đàn gia cầm, trâu bò như: Bệnh Cúm gia cầm, bệnh LMLM, VDNC được kiểm soát, khống chế, góp phần ổn định tình hình sản xuất chăn nuôi.
- Ý thức tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, nhất là ý thức của các chủ trang trại chăn nuôi quy mô vừa, lớn dần được nâng cao, hạn chế dịch bệnh xảy ra ở quy mô trang trại.
Đồng chí Đinh Văn Khiêm-Phó giám đốc Sở Nông nghiệp kết luận hội nghị
Kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Văn Khiêm yêu cầu:
- Tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi trên diện hẹp, tại những nơi thường xuyên tái phát và những hộ có đăng ký tiêm phòng vắc xin, triển khai trong năm 2025.
- Kinh phí hỗ trợ cho các hộ có lợn tiêu huỷ được đề xuất vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm.
- Triển khai công tác lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng, các huyện lấy mẫu trên cơ sở phân chia số lượng mẫu cần lấy, bảo quản mẫu, gửi về Chi cục tiếp nhận, gửi đi xét nghiệm. Kinh phí vật tư, công lấy mẫu…do huyện dự toán chi, kinh phí xét nghiệm Chi cục tham mưu dự toán chi.
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyên môn cấp huyện trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin tình hình dịch bệnh để xử lý, khống chế kịp thời, ngay từ khi dịch bệnh mới phát sinh, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng, đảm bảo ổn định tình hình dịch bệnh những tháng cuối năm và nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết nguyên đán.
- Về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2025: Tiếp tục thực hiện phân cấp gắn với phân bổ nguồn kinh phí cho các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa bàn.
Nguyễn Thị Thu Trang - Chi cục Chăn nuôi và Thú y