Nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế AgroViet lần thứ 24, ngày 20/11, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đồng chủ trì hội nghị.
Cùng dự có đại diện Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Chi cục Phát triển nông thôn; Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại; Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; Văn phòng Sở; phòng Kế hoạch - Tài chính; phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp; Tổ công tác OCOP và Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; đông đảo các doanh nghiệp, HTX, các chủ thể OCOP tiêu biểu trong tỉnh; đại diện các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình đã giới thiệu khái quát tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm chủ lực tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh. Theo đó, tuy diện tích đất, quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình không lớn nhưng sản phẩm nông sản của tỉnh lại vô cùng phong phú, đa dạng. Sở hữu 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái gồm: Tiểu vùng đồi núi bán sơn địa, tiểu vùng trũng, tiểu vùng đồng bằng, tiểu vùng ven đô thị và tiểu vùng ven biển nên mỗi tiểu vùng đều có những sản phẩm chủ lực, đặc sản đặc trưng riêng.
Đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại hội nghị
Hiện nay, mỗi năm tỉnh sản xuất khoảng 300 nghìn tấn lúa gạo, trong đó chủ yếu là giống đặc sản, chất lượng cao; 180 nghìn tấn rau quả, 47 nghìn tấn thịt lợn hơi, gần 3,7nghìn tấn thịt trâu bò… Ninh Bình nổi tiếng với dứa, diện tích sản xuất chuyên canh tập trung lên tới gần 3.400 ha. Ngoài ra, sản phẩm thủy sản của tỉnh cũng rất đa dạng bao gồm cả thủy sản nước ngọt và nước mặn, tôm, cua, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ… Đến nay, toàn tỉnh có 186 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó có 69 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 117 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Đặc biệt, những năm gần đây với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực của tỉnh, bà con nông dân đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ, an toàn, ưu tiên các sản phẩm nông sản truyền thống, đặc hữu, đặc sản.
Đồng chí khẳng định:
Nông sản và sản phẩm OCOP là thế mạnh của tỉnh Ninh Bình, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn có tiềm năng đáp ứng phục vụ nhu cầu của các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, việc kết nối thị trường cần được đẩy mạnh hơn nữa để các sản phẩm có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất.
Vai trò của các doanh nghiệp và nhà phân phối là cầu nối quan trọng đưa sản phẩm của tỉnh tiếp cận thị trường lớn. Đồng chí kêu gọi các đơn vị tiêu thụ hợp tác chặt chẽ với các chủ thể OCOP để xây dựng các chuỗi giá trị hiệu quả, minh bạch và bền vững.
Thông tin tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Với dân số trên 8,5 triệu người, bên cạnh đó là lượng khách du lịch thường xuyên khoảng 2 triệu người nữa thì sức tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trên địa bànHà Nội là rất lớn. Trung bình mỗi tháng Hà Nội cần khoảng 300 nghìn tấn lương thực, thực phẩm các loại trong khi đó năng lực sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 20-70% (tùy từng loại thực phẩm), số lượng còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác.
Với vị trí địa lý ngay gần Hà Nội, hệ thống giao thông kết nối thuận tiện thì đây là cơ hội rất lớn để nông sản Ninh Bình thâm nhập vào thị trường này. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng tới đây, các đơn vị sản xuất của Ninh Bình cần tăng cường kết nối giao thương với doanh nghiệp tiêu thụ, hệ thống phân phối ở Hà Nội và các các tỉnh, thành trong cả nước. Từ đó tạo ra sự kết nối giữa người sản xuất và người tiêu thụ, đưa sản phẩm nông sản của tỉnh đến với nhiều người tiêu dùng hơn. Tỉnh Ninh Bình cần tổ chức các hội chợ triển lãm, tuần hàng Ninh Bình ở Hà Nội.
Trao đổi, thảo luận tại hội nghị, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh thông tin, chia sẻ về sản phẩm; các doanh nghiệp thu mua, phân phối tiêu thụ nông sản chia sẻ về cơ hội thị trường, năng lực tiêu thụ cũng như các yêu cầu về sản phẩm, từ đó thống nhất triển khai hợp tác sâu rộng, lâu dài giữa các bên.
Đại diện các đơn vị ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, cung cấp, kết nối tiêu thụ sản phẩm
Cùng trong dịp này, các đơn vị tiêu thụ, phân phối nông sản, sản phẩm OCOP và các đơn vị sản xuất của Ninh Bình đã ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, cung cấp, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Nguyễn Đình Tân - TTKNNB