Trước thực trạng lao động trong sản xuất nông nghiệp đang bị già hóa và ngày càng thiếu hụt do sự chuyển dịch sang các lĩnh vực khác. Để người làm nông nghiệp nói chung, người trồng lúa nói riêng bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ là xu thế tất yếu.
Ảnh: Trình diễn đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa
Với vai trò là cầu nối vững chắc trong liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông), hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở đã cùng cán bộ xã, phòng nông nghiệp, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức nhiều chuyến thăm quan mô hình thành công ở các địa phương khác. Đồng thời thông qua các hoạt động tuyên truyền vận động, các lớp tập huấn, giới thiệu, các cuộc hội thảo đầu bờ để thuyết phục người dân. Sau khi người dân được đi thăm quan, học tập, được mắt thấy, tai nghe. Vụ Đông Xuân 2024, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vân Trà, xã Yên Thắng huyện Yên Mô cùng họp bàn với nhân dân trong HTX, thống nhất với 22 hộ dân có tổng diện tích 5ha gọn vùng, xây dựng kế hoạch tiến hành phối hợp với doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện Mô hình “Cánh đồng không dấu chân”.
Trong quá trình thực hiện, cán bộ khuyến nông luôn đồng hành, thực hiện tốt công tác dân vận, vận động người dân, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để người dân yên tâm tham gia sản xuất, đồng thời người dân giữ vai trò theo dõi, giám sát, nhận sản phẩm và đánh giá, so sánh hiệu quả so với phương pháp cũ đang làm.
Các công nghệ tiên tiến, hiện đại được doanh nghiệp cung ứng và sử dụng đồng bộ theo tiến trình sản xuất. Mạ cấy, được sử dụng giàn gieo tự động, gieo và chăm sóc, bảo quản tại sân của HTX cho đến lúc đủ tuổi cấy. Qua so sánh, một giờ một giàn gieo có thể gieo được từ 600-800 khay mạ, đáp ứng nhu cầu mạ cấy cho 10ha, lượng giống giảm 15%, đặc biệt mạ gieo không lo rủi ro do thời tiết nhất là thời điểm giá rét vụ đông xuân và mưa lớn đầu vụ mùa. Khi làm đất cấy, sử dụng máy làm đất và thiết bị dẫn đường gắn vào máy cấy do đó máy không cần người lái, đất được làm bằng máy đảm bảo chất lượng kỹ, nhuyễn, phẳng, sạch cỏ dại, người dân không phải ra đồng, lội ruộng. Máy làm đất, máy cấy được tích hợp thiết bị dẫn đường, không cần ngườ lái, máy có tính năng điều chỉnh được số rảnh/khóm, số khóm/hàng, điều chỉnh được khoảng cánh hàng sông, hàng con đảm bảo sự phù hợp với từng chân đất và tập quán canh tác của người dân từng địa phương. Khâu chăm sóc, rải phân bón và phun thuốc BVTV do máy bay không người lái đảm nhận. Anh Đinh Xuân Nam - Giám đốc HTX Vân Trà phấn khởi chia sẻ “Hợp tác xã có 335,5ha, trước đây bà con phải cấy rải rác trong vòng nửa tháng, từ hiệu quả mô hình vụ xuân 2024, trong vụ mùa người dân trong HTX tham gia mô hình liên kết sử dụng máy cấy, 5 máy cấy chỉ cấy xong trong vòng 5 ngày, rút ngắn dc 2/3 thời gian và quan trọng lúa được cấy tập trung đồng trà, tiện chăm sóc, quản lý sâu bệnh”. Máy bay có hiệu suất cao, đảm nhiệm phun thuốc (công suất 20 ha/giờ), đảm bảo được tiến độ và chất lượng phòng trừ sâu bệnh, hơn nữa đã giúp cho người dân tiết kiệm được 30-50% chi phí so với phương pháp truyền thống, hiệu quả hoạt động gấp 30 lần so với lao động thủ công, đặc biệt nhất là sức khỏe người dân được bảo vệ khi không còn phải trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất độc hại”.
Ảnh: Cán bộ khuyến nông cùng Hợp tác xã và doanh nghiệp kiểm tra Mô hình
Lúa trong mô hình sau khi khấu trừ các khoản chi phí, cho lợi nhuận cao hơn sản xuất đại trà là trên 300 nghìn đồng/sào. Chưa kể người dân không phải trực tiếp ra đồng, do đó có nhiều thời gian nông nhàn có thể làm thêm các nghề phụ, không chỉ tăng năng suất, mà còn giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 2-3%, bảo đảm tính thời vụ.
Mô hình “Cánh đồng không dấu chân” là một minh chứng rõ nét, vượt trội của việc mang lại hiệu quả kinh tế cao khi ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và đẩy mạnh chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp tại Ninh Bình, góp phần giải phóng sức lao động cho người dân, giải được bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là tình trạng thiếu hụt lao động, già hóa lao động và trào lưu “ly nông” của người dân vùng nông thôn. Đồng thời mô hình khẳng định tính đúng đắn, tất yếu trong sản xuất nông nghiệp đó là hiệu quả của công tác dân vận để có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân. Mô hình góp phần lan tỏa cho các địa phương tập tính áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để giải phóng sức lao động trong nông nghiệp, đồng thời gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh, đồng thời tạo sản phẩm có chất lượng cao. Từ đó, nông dân không còn phải lao động tay chân vất vả, chính quyền địa phương không phải lo đồng ruộng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai, đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới hiệu quả, bền vững.
Nguyễn Thị Dịu - TTKN