Năm 2024, ngành chăn nuôi trong tỉnh đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về dịch bệnh, thiên tai và biến động giá cả thị trường đã tác động không nhỏ đến sản xuất chăn nuôi.
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát lẻ tẻ trở lại tại một số địa phương, thị trường thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhưng nền mặt bằng giá đã hình thành ở mức cao; giá bán thịt lợn hơi có xu hướng tăng, giá gia cầm tương đối ổn định, riêng giá sản phẩm trâu bò hơi vẫn ở mức thấp so với giá thành sản xuất; ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi và hoàn lưu của bão gây mưa, lũ, ngập nước làm trên 206 gia súc, trên 6.200 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, một số chuồng trại bị hư hỏng.
Tuy vậy, tổng đàn gia súc, gia cầm và sản lượng sản phẩm chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng trưởng, ước tổng đàn trâu, bò ước 48,4 nghìn con, tăng 1,8%, trong đó: đàn bò đạt 35,5 nghìn con, tăng 2,5%; đàn lợn ước đạt 293 nghìn con, tăng 1,41%, đàn dê ước đạt 22 nghìn con; đàn gia cầm ước đạt 6,77 triệu con tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Chăn nuôi lợn tiếp tục khôi phục, chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển
Dịch Cúm gia cầm A/H5N1 phát sinh nhỏ lẻ tại huyện Yên Mô thời điểm quý I/2024. Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra lẻ tẻ, quy mô nhỏ ở một số địa phương, so sánh với cùng kỳ năm 2023, số xã có dịch giảm trên 94,4%, số lượng lợn phải tiêu hủy bắt buộc giảm 87,9%, trọng lượng tiêu hủy giảm 86%. Dịch bệnh trên đàn trâu, bò tiếp tục được kiểm soát, khống chế; đặc biệt từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp động vật mắc bệnh Dại và không ghi nhận trường hợp người tử vong do bệnh Dại.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, thách thức của lĩnh vực chăn nuôi là do thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, sự xuất hiện của các loại dịch bệnh mới, virus biến chủng làm dịch bệnh lây lan nhanh và tỷ lệ chết cao. Tuy nhiên, nhờ việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, hỗ trợ của chính quyền và sự nỗ lực của người dân đã góp phần kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, sản xuất chăn nuôi duy trì, tái đàn, tăng đàn sản xuất.
Ước tổng sản lượng thịt hơi năm 2024 đạt 67,5 nghìn tấn, tăng 3,7%, trong đó sản lượng đàn lợn ước đạt 46,6 nghìn tấn, tăng 3,1%, sản lượng trứng gia cầm ước đạt 174 triệu quả tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 2.399,5 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2023, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Sản lượng sản phẩm chăn nuôi tiếp tục tăng so với năm 2023
Hiện nay, giá một số sản phẩm chăn nuôi đang có hướng tăng nhẹ, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2025, đồng thời chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ, phối hợp với các đơn vị chuyên môn cấp huyện bám sát địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ dịch bệnh để xử lý kịp thời và hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống đói rét, tái đàn an toàn dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi ổn định, cung ứng thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Triệu Văn Giang - Chi cục Chăn nuôi và Thú y