Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, đây là thời gian tiêu thụ thực phẩm nhiều nhất trong năm đặc biệt là thực phẩm thịt các loại gia súc, gia cầm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm gắn bảo đảm sức khỏe cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, thực hiện tốt một số các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh động vật và kiểm soát giết mổ cụ thể như sau:
1. Tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý khi xuất hiện các ổ dịch bệnh động vật mới phát sinh, đặc biệt tại các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý; tổ chức điều tra xác định nguyên nhân phát sinh và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
2. Công bố dịch và tổ chức phòng, chống dịch theo đúng quy định khi phát hiện ổ dịch bắt buộc công bố dịch trên địa bàn; tập trung nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do mắc bệnh; giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy gia súc, gia cầm; không để các đối tượng lợi dụng tiêu thụ gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, gia súc, gia cầm chết cho người tiêu dùng làm thực phẩm; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo đúng quy định các trường hợp giết mổ, buôn bán, bán chạy, vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia súc, gia cầm chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
3. Hướng dẫn người chăn nuôi hàng ngày thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh; yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có gia súc, gia cầm buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh phải thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh;
4. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở giết mổ, điểm trung chuyển, thu gom, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn; xử lý nghiêm và dừng hoạt động đối với các cơ sở giết mổ động vật chưa được cấp phép hoạt động, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, giết mổ động vật chết do dịch bệnh và không được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định, bảo đảm an toàn thực phẩm nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 và các tháng tiếp theo; không để xảy ra các sự cố gây mất an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật.
6. Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi (như: Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Tai xanh, Dại,…); hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tiêm vắc xin và lợi ích của việc tiêm vắc xin đầy đủ để phòng các bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi; tập trung các nguồn lực để tổ chức xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
7. Đối với người dân khi sử dụng nguồn thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận kiểm dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm của cơ quan y tế, Thú y; bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp, đảm bảo thực phẩm không bị hỏng, biến đổi chất.
Nguyễn Thị Thu Trang - Chi cục Chăn nuôi và Thú y