Hình ảnh: Máy cuộn rơm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm qua, hoạt động cơ giới hoá nông nghiệp đã có những tác động tích cực vào việc làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, đồng thời giảm bớt sức lao động của người nông dân trong các khâu sản xuất.
Năm 2019, theo kết quả thống kê trên toàn tỉnh Ninh Bình khâu làm đất có 2.259 máy kéo các loại trong đó máy kéo lớn trên 35 mã lực 617 cái, loại 12-35 mã lực có 813 cái, loại từ 12 mã lực trở xuống là 829 cái.
Các loại máy dùng trong khâu gieo trồng và chăm sóc: máy cấy lúa 27 cái; máy phun thuốc trừ sâu 3.798 cái, máy bơm nước phục vụ tưới tiêu 4.588 cái các loại; máy móc, thiết bị dùng trong nuôi trồng thủy sản (máy đập oxy) 1389 cái.
Các loại máy sử dụng trong thu hoạch bao gồm máy gặt đập liên hợp 492 cái, máy tuốt lúa có động cơ 560 cái, máy thu hoạch (lúa, lạc, đậu, mía, ngô) 112 cái.
Các loại máy dùng trong chế biến: máy sấy, lò sấy nông sản 10 cái; máy chế biến lương thực, thực phẩm (máy xay xát, phân loại, đánh bóng) 654 cái; máy chế biến thức ăn gia súc (máy nghiền, máy trộn) 457 cái; máy chế biến thức ăn thô (máy băm, thái cỏ) 150 cái; máy chế biến thức ăn thủy sản 85 cái; máy chế biến gỗ (máy cưa, phay, bào) 905 cái.
Tàu thuyền, xuồng đánh bắt thủy sản có động cơ được trang bị 139 cái; tàu thuyền dịch vụ thủy sản có động cơ là 2 cái.
Các loại máy khác dùng trong sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản (máy dằm đất, ô tô vận tải, động cơ diezen...) là 2.997 cái.
Thời gian qua, tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm, giải phóng và tiết kiệm sức lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo thống kê trên toàn tỉnh năm 2019, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất trên địa bàn tỉnh đạt 97,36 %; khâu gieo cấy đạt 5,02%; khâu chăm sóc tưới tiêu nước đạt gần 90,06% diện tích; diện tích phun thuốc BVTV phòng trừ bằng cơ giới thấp, mức độ trung bình đạt 55,03% diện tích; Mức độ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch trung bình trên địa bàn đạt gần 85,91%.

Trên địa bàn hiện có 492 máy gặt đập liên hợp và máy tuốt đập lúa có động cơ, mức độ cơ giới hóa trong khâu tuốt, đập lúa đạt 95,75%; khâu vận chuyển đạt 92,53% trong sản xuất và thu hoạch; khâu bảo quản và chế biến sau thu hoạch trên địa bàn hiện vẫn còn yếu (5,35%), do đó chưa giảm thiểu được mức độ tổn thất sau thu hoạch.
Đối với các hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, mức độ cơ giới hóa đối với nghề chế tác đá mỹ nghệ là 62,44%, nghề mộc 57,62 % và các nghề khác là 35,95%.
Tuy nhiên, cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh Ninh Bình còn gặp khó khăn: Số lượng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu, tỷ lệ cơ giới hóa 1 số khâu: gieo cấy, bảo quản và chế biến nông sản còn thấp. Do đó, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Có thể nói, cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh Ninh Bình trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến, từng bước phục vụ có hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đây là bước tạo nền vững chắc cho nông nghiệp đảm bảo sản xuất theo hướng hàng hóa và thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển.
Người viết
Nguyễn Thị Thu Nga