Nghị định số 64/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/6/2018.
Theo đó, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; nguyên tắc xác định mức vi phạm về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản được Nghị định 64 quy định như sau:
Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực giống vật nuôi đối với cá nhân vi phạm là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200.000.000 đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định 64 là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III của Nghị định 64 là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
Mức vi phạm về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản quy định tại Nghị định 64 được xác định bằng kết quả phân tích đã được tính độ dao động cho phép trong kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quy định cụ thể về vi phạm chất lượng trong sản xuất, gia công, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại Nghị định 64 như sau:
Vi phạm về chất lượng trong sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản (Điều 7):
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa dưới 5% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa hoặc mỗi chỉ tiêu an toàn vượt quá dưới 5% so với quy định trong quy chuẩn tương ứng hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không lưu mẫu, không lưu kết quả kiểm nghiệm theo quy trình kiểm soát chất lượng.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không có quy trình sản xuất kiểm soát chất lượng sản phẩm; không ghi và lưu nhật ký quá trình sản xuất theo quy định.
4. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam:
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định mà tổng giá trị lô sản phẩm vi phạm dưới 200.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định mà tổng giá trị lô sản phẩm từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ Điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 15% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 15% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
8. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm sản xuất, gia công mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản:
Có mỗi chỉ tiêu vi sinh vật gây hại vượt ngưỡng tối đa quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố;
Có hàm lượng định lượng mỗi chất gây mất an toàn cao hơn mức tối đa từ 5% trở lên so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố.
9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 10% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
10. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 10% đến dưới 20% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
11. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, gia công sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 20% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
12. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sản xuất, gia công sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
13. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với cơ sở có hành vi vi phạm tiếp tục sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8, Khoản 9, Khoản 10, Khoản 11, Khoản 12 Điều này: Buộc tái chế lô sản phẩm. Trường hợp lô sản phẩm không thể tái chế được thì buộc chuyển đổi Mục đích sử dụng. Trường hợp lô sản phẩm không thể chuyển đổi Mục đích sử dụng được thì buộc tiêu hủy;
Đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4, Khoản 13 Điều này: Buộc chuyển đổi Mục đích sử dụng nếu lô sản phẩm đáp ứng quy định của Mục đích chuyển đổi. Trường hợp lô sản phẩm không chuyển đổi được Mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy.
Vi phạm về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản (Điều 9):
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa dưới 5% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa hoặc mỗi chỉ tiêu an toàn vượt quá dưới 5% so với quy định trong quy chuẩn tương ứng hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố.
2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam mà tổng giá trị lô sản phẩm vi phạm dưới 200.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định mà tổng giá trị lô sản phẩm từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ Điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 15% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 15% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
5. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản: Có mỗi chỉ tiêu vi sinh vật gây hại vượt ngưỡng cho phép quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn đã công bố; Có hàm lượng định lượng mỗi chất gây mất an toàn cao hơn mức tối đa từ 5% trở lên so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố.
7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 10% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
8. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 10% đến dưới 20% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
9. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 20% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
10. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
11. Biện pháp khắc phục hậu quả: Đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8, Khoản 9, Khoản 10 Điều này: Buộc thu hồi và tái chế lô sản phẩm vi phạm. Trường hợp lô sản phẩm không thể tái chế thì buộc chuyển đổi Mục đích sử dụng. Trường hợp lô sản phẩm không thể tái chế, chuyển đổi Mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy; Đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này: Buộc thu hồi lô sản phẩm vi phạm và chuyển đổi Mục đích sử dụng. Trường hợp lô sản phẩm không thể chuyển đổi Mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy.
Vi phạm về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản (Điều 10):
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa dưới 5% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa hoặc mỗi chỉ tiêu an toàn vượt quá dưới 5% so với quy định trong quy chuẩn tương ứng hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố.
2. Phạt từ tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải là chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
3. Phạt từ tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải là chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
4. Phạt từ tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
5. Phạt từ tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.
6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản: Có mỗi chỉ tiêu vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố; Có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu an toàn cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 30% so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố.
7. Phạt từ tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu an toàn cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố.
8. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm nhập khẩu: Hành vi vi phạm nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản chưa được phép lưu hành tại Việt Nam (trừ trường hợp nhập khẩu để giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm hoặc nghiên cứu, làm mẫu phân tích, nhập khẩu để sản xuất, gia công nhằm Mục đích xuất khẩu); Hành vi vi phạm nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản hết hạn sử dụng.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc sửa đổi thông tin chất lượng trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo lô sản phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều này;
Buộc tái chế toàn bộ lô sản phẩm đảm bảo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc đảm bảo chất lượng như tiêu chuẩn đã công bố đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 Điều này. Trường hợp sản phẩm không thể tái chế thì buộc chuyển đổi Mục đích sử dụng. Trường hợp sản phẩm không thể tái chế, chuyển đổi Mục đích sử dụng thì buộc tái xuất hoặc tiêu hủy;
Buộc chuyển đổi Mục đích sử dụng lô sản phẩm vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 7 Điều này. Trường hợp không thể chuyển đổi Mục đích sử dụng thì buộc tái xuất hoặc tiêu hủy;
Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ lô hàng vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều này./.
Người viết bài
Phạm Thị Bích Liên