.png)
Hiện tại việc thực hiện cơ chế một, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ: cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân của một cơ quan có thẩm quyền thông qua Bộ phận Một cửa quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP. Cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết một thủ tục hành chính hoặc một nhóm thủ tục hành chính có liên quan với nhau, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận Một cửa quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.
Tổ chức Bộ phận một cửa tại tỉnh Ninh Bình gồm có:
+ Cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Cấp huyện: Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả.
+ Cấp xã: Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông có nhiều những lợi ích, ý nghĩa và vai trò quan trọng như sau:
- Khi giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế này đã làm cho nền hành chính trở nên dân chủ, minh bạch, có tính chuyên nghiệp hơn; mang lại sự thuận tiện cho người dân. Trên thực tế có nhiều thủ tục hành chính có liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều cấp, nhiều cơ quan, phải qua nhiều đầu mối mới có kết quả cuối cùng. Cơ chế "một cửa liên thông" đặt ra yêu cầu các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp trong quy trình xử lý hồ sơ, không để tổ chức, công dân cầm hồ sơ đi từ cơ quan này tới cơ quan khác. Người dân có nhu cầu chỉ phải nộp hồ sơ và nhận lại kết quả tại một đầu mối.
- Nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức bằng việc xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan và của từng cán bộ, công chức, viên chức trong quy trình xử lý công việc góp phần tăng cường năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Việc tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giúp các cơ quan chuyên môn có điều kiện tập trung và chủ động giải quyết công việc thuộc thẩm quyền chuyên môn.
- Sự đổi mới hoạt động của cơ quan hành chính và thái độ phục vụ thân thiện của cán bộ, công chức, viên chức đã đem đến sự hài lòng cho người dân khi giải quyết công việc. Sự công khai, minh bạch các thủ tục hành chính đảm bảo cho mỗi người dân có thể tham gia vào hoạt động giám sát quản lý hành chính nhà nước./.
Nguyễn Thị Ngọc Hà - Chi cục Chăn nuôi và Thú y