Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ra đời nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt khu vực nông thôn. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Với mục tiêu đó, Chương trình OCOP đã triển khai rộng khắp cả nước, khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, hướng đến các sản phẩm cấp cao nhất, giá trị nhất là sản phẩm được Chính phủ công nhận 5 sao, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng, không chỉ là sinh kế của người dân mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương, vùng miền trên cả nước. Chương trình OCOP là một trong sáu chương trình chuyên đề trong chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và được xem là giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, đã thực sự thổi một làn gió mới làm thay đổi tư duy, phát huy nội lực, gia tăng giá trị và phát triển kinh tế nông nghiệp của các doanh nghiệp, HTX và người dân khu vực nông thôn. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả 03 chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở mỗi địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Diện mạo tươi đẹp trong xây dựng nông thôn mới tại các huyện, xã (Ảnh: ninhbinh.gov.vn)
Để phát triển chương trình OCOP của tỉnh, từ năm 2018, sau khi Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Ninh Bình đã từng bước xây dựng phát triển sản phẩm địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP, ban hành Quyết định 922/QĐ-UBND ngày 22/7/2018 phê duyệt Đề án mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất để sản xuất các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm đặc sản có lợi thế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh, gia tăng giá trị, đẩy mạnh chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch giai đoạn và hàng năm để chỉ đạo triển khai chương trình; thành lập và kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện chương trình cấp tỉnh, huyện theo quy định. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình (trong đó hỗ trợ sản phẩm đạt 3 sao trở lên, hỗ trợ các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phục vụ du lịch, xây dựng, duy trì hệ thống giám sát và quản lý chương trình …); chính sách phát triển kinh tế nông thôn để phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh,…Hàng năm, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu cho các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP của tỉnh. Quảng bá sản phẩm OCOP tại các sự kiện du lịch (Lễ hội Hoa Lư; Tuần Du lịch năm 2022 - Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An…) và sự kiện văn hóa của tỉnh (Hội nghị quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam”…). Trưng bày giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh trong các hội chợ, triển lãm tại các thành phố lớn Hà Nội, Quảng Ninh, Cà Mau, Bình Định… Một số sản phẩm đã được xuất khẩu và được các đoàn công tác kết hợp mang đi giới thiệu tại các thị trường lớn Châu Á, Châu Âu… Đến nay, đã có 181 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 70 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (tỷ lệ 38,7%), 111 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (tỷ lệ 61,3%), thu hút đông đảo chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia. Chương trình OCOP tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đặc biệt, các sản phẩm được công nhận từ năm 2019 đến nay vẫn được người dùng rất quan tâm, tin dùng.
Nhiều sản phẩm ocop của tỉnh được xuất khẩu đi nước ngoài
Chương trình OCOP là một chương trình chuyên đề và là giải pháp trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Những kết quả tích cực trong chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thể hiện vai trò, hiệu quả đối với phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh giai đoạn hiện nay. Đồng thời, Chương trình OCOP góp phần thay đổi nhận thức, vai trò của người dân nông thôn từ bị động sang chủ động tiếp cận và tham gia thực hiện các chương trình MTQG
Chương trình OCOP là động lực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và là giải pháp trọng tâm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Chương trình không dừng lại ở một người, một hộ hay một sản phẩm nào, mà còn tạo ra giá trị, đặc biệt là góp phần chuyển biến kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Việc phát triển sản phẩm giúp gia tăng quy mô sản xuất, nhờ đó giải quyết một phần bài toán lao động nông thôn đó là giải quyết việc làm tại chỗ cho cư dân nông thôn. Qua chương trình OCOP, kinh tế nông thôn được cải thiện, thu nhập cho cư dân nông thôn theo đó gia tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm,... Đây đều là những tiêu chí quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tiêu chí tác động rõ nhất chính là việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Khi thực hiện OCOP, các chủ thể phải bảo đảm tiêu chí về vùng nguyên liệu, về bộ máy sản xuất,… từ đó tác động đến tổ chức sản phẩm của địa phương, phát triển từ hộ cá thể trở thành cơ sở sản xuất tiến tới hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Cụ thể là nhờ việc thực hiện các tiêu chí OCOP, bà con thay đổi nhận thức để áp dụng nhiều kiến thức hơn vào sản xuất, tiếp cận thêm các kênh tiêu thụ mới,... Thông qua đó, chương trình OCOP góp phần thực hiện tiêu chí, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Chương trình đã tạo động lực, giúp người sản xuất đổi mới tư duy, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng các quy định của nhà nước đã được hỗ trợ từ chương trình này không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển. Từ việc đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu. Chương trình chú trọng không chỉ chất lượng sản phẩm mà từng bước phát triển sản phẩm đặc trưng của nông thôn, phát huy sáng tạo, trí tuệ và câu chuyện văn hóa, truyền thống tạo mối liên kết thành đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện
Chương trình OCOP
Bên cạnh những hiệu quả và sự lan tỏa, việc triển khai chương trình OCOP cũng đã huy động các nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm của OCOP. Có thể nói Chương trình OCOP giúp nâng giá trị, đa dạng hơn các loại hàng hoá nông sản, dịch vụ ở nông thôn; phát triển Chương trình OCOP sẽ góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hoá của Việt Nam, góp phần to lớn vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Kết quả Chương trình OCOP góp phần thực hiện tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của các địa phương về tiêu chí tổ chức sản xuất và tiêu chí kinh tế trong tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới. Cụ thể: Năm 2023, chương trình OCOP góp phần thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất của 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu năm 2023 và 79 xã đã đạt chuẩn giai đoạn trước nhằm đáp ứng tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn này, Chương trình OCOP đã có bước đột phá, trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập trong Chương trình giảm nghèo bền vững
Với xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa hiện nay, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, nguồn lực lao động tập trung ở các khu, cụm công nghiệp, sản xuất nông nghiệp truyền thống gặp nhiều khó khăn, hạn chế... Chương trình OCOP với định hướng ưu tiên phát triển các loại hình sản xuất nhỏ và mục tiêu pháp triển lợi thế địa phương, tiềm năng các làng nghề, nghề truyền thống... đã từng bước khơi dậy, thu hút nỗ lực, vươn lên của các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất cộng với cách làm sáng tạo, quyết liệt của tỉnh trong xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần tích cực cho phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đến nay, các chủ thể sản phẩm OCOP được công nhận đã tạo được nhận diện thương hiệu, phát triển sản xuất góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn góp phần thực hiện giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi góp phần thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Chương trình OCOP chú trọng phát triển các loại hình sản xuất quy mô vừa, nhỏ; ưu tiên các đối tượng là phụ nữ, chủ thể sản xuất là hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân,… và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với những chính sách đặc thù, ưu tiên cho các chủ thể là người dân tộc thiểu số, đang giúp cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên, chủ động hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, mức sống của người dân được cải thiện góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Nhờ có nguồn vốn của Chương trình và các nguồn lực khác đã đem lại hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt cả vật chất lẫn tinh thần của người dân, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc góp phần vững chắc vào việc bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục phát triển chương trình OCOP, phương hướng trong thời gian tới là
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa, với nhiều hình thức và nhiều kênh thông tin để mọi người, mọi nhà đều hiểu và hiểu đúng về Chương trình OCOP. Đưa OCOP vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của cấp ủy Đảng các cấp. Việc tuyên truyền cần chú trọng đến việc chia sẻ kinh nghiệm về những mô hình hiệu quả, cách làm hay, những chủ thể tiêu biểu, sáng tạo. Khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Chú trọng hỗ trợ nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, bao bì sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP.
Thứ hai, tham mưu tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và tập trung một số nhiệm vụ có tính đột phá, như: (1) Tập trung phát triển sản phẩm theo chuỗi liên kết để tạo ra các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và các sản phẩm thế mạnh khác, theo hướng đa dạng hóa, chế biến sâu; (2) Coi trọng cả “sản phẩm tốt và bán hàng tốt”, trong đó “sản phẩm tốt” là quan trọng, “bán hàng tốt” là quyết định; (3) Củng cố hệ thống tổ chức tham mưu, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức thực hiện Chương trình theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp hóa. Ở cấp huyện, cần bố trí nhân lực cho OCOP, cần có cán bộ chuyên trách cho OCOP, thực tiễn cho thấy cán bộ OCOP cấp huyện có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Ở cấp xã, cán bộ nông nghiệp/cán bộ kinh tế xã là cán bộ OCOP; nghiên cứu để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền có chế độ phụ cấp đối với người làm công tác này ở cấp cơ sở; (4) Triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, trong đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ những nội dung giúp chủ thể nâng cao năng lực, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cấp, phát triển hoàn thiện sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Ưu tiên phát triển sản phẩm theo chiều sâu, không chạy theo số lượng. Ưu tiên hỗ trợ các chủ thể là HTX và các Doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba, phát huy tốt hơn nữa hoạt động của UBMTQ Việt Nam, hội, đoàn thể các cấp trong việc phối hợp thông tin, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về Chương trình OCOP, tạo được niềm tin của chủ thể đối với Chương trình và niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP.
Thứ tư, giai đoạn tới, bên cạnh chú trọng hỗ trợ phát triển sản phẩm hướng đến chất lượng cao đặc sắc và định hướng sản phẩm phục vụ khách du lịch đến Ninh Bình. Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh quan tâm, chú trọng và dành nguồn kinh phí thỏa đáng để triển khai các nội dung liên quan đến hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại gắn với du lịch và hoạt động thương mại điện tử và các hội thảo, hội nghị, kết nối cung cầu để phát triển sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm thương hiệu địa phương.
Rõ ràng, Chương trình OCOP đã và đang từng bước góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn và đóng góp tích cực vào xây dựng NTM. Đây được xem là đòn bẩy phát triển kinh tế quan trọng và tác động to lớn cho việc thực hiện hiệu quả 03 chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Ngô Thị Mai - PNVTH