Chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học là một phương pháp nuôi lợn thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đệm lót sinh học là một loại đệm được làm từ các nguyên liệu hữu cơ như rơm, cỏ, vỏ cây, bã mía… được xử lý bằng vi sinh vật để tạo ra một môi trường ấm áp, khô ráo và sạch sẽ cho lợn. Phù hợp với lợn nái, lợn nuôi thịt có khối lượng từ 7 – 60 kg (lợn trên 60 kg có sức ỳ lớn, ít vận động, tập trung thải phân và nước tiểu một chỗ làm cho đệm lót bị hỏng cục bộ do đọng phân và nước tiểu nhiều)
Đệm lót sinh học có nhiều ưu điểm so với các phương pháp nuôi lợn truyền thống như giảm ô nhiễm môi trường, giảm mùi hôi, giảm lượng phân thải, giảm chi phí thức ăn và thuốc, tăng khả năng chống bệnh và tăng trọng cho lợn.
Đệm lót được phun chế phẩm sinh học để kích thích quá trình lên men, phân hủy chất thải của lợn và tạo ra nhiệt độ ấm áp cho chuồng nuôi.
Chế phẩm sinh học (men vi sinh) là một dung dịch chứa các vi sinh vật có hoạt tính cao, có khả năng phân giải các chất thải động vật và sử dụng các chất khí thải độc hại như NH3, H2S để sinh trưởng và ức chế các vi khuẩn có hại.
Men vi sinh có vai trò quan trọng trong quá trình phân hủy chất thải, khử mùi và cung cấp dinh dưỡng cho vật nuôi như sau:
+ Phân hủy chất thải: Men vi sinh có khả năng phân hủy các chất hữu cơ trong phân và nước tiểu của lợn, giảm lượng chất thải và tăng độ xốp của đệm lót. Quá trình phân hủy chất thải giúp tạo ra nhiệt độ ấm áp cho chuồng nuôi, giảm sự phát triển của các ký sinh trùng và côn trùng gây hại cho lợn.
+ Khử mùi: Hỗ trợ tiêu diệt các vi khuẩn gây mùi hôi, giảm nồng độ các khí độc như NH3, H2S, CH4… trong chuồng nuôi. Việc khử mùi giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm căng thẳng và tăng sức đề kháng cho lợn.
+ Cung cấp dinh dưỡng: Giúp sản xuất các vitamin, enzyme, axit amin và các chất dinh dưỡng khác cho lợn. Việc cung cấp dinh dưỡng giúp tăng hiệu suất tiêu hóa, tăng khả năng hấp thu thức ăn và tăng trọng lượng cho lợn.
I. Phương pháp làm đệm lót:
1. Nguyên liệu (làm cho 20m2 chuồng)
- Trấu và mùn cưa (số lượng đảm bảo rải đủ độ dầy 60 cm)
(Có thể sử dụng các nguyên liệu khác như xơ dừa, lõi ngô, bã mía……)
- Bột ngô: 20 kg
- Chế phẩm BALASA N01 (hoặc EM, bioferm…) : 1kg
2. Công việc chuẩn bị:
- Chuẩn bị mặt bằng: Nếu làm đệm lót chìm dưới mặt đất phải đào trước nền chuồng sâu xuống 60 cm. Để chống nóng nên chỉ đào 2/3 nền chuồng để làm đệm lót, còn lại 1/3 dùng để láng xi măng hoặc lát gạch cho lợn nằm khi nhiệt độ bên ngoài cao.
- Cách chế 200 lít dịch men: Cho 1 kg chế phẩm BALASA N01 (hoặc EM, bioferm..) và 15 kg bột ngô vào thùng sau đó cho thêm 200 lít nước sạch ( nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 15oC thì dùng nước ấm ) khuấy đều, đậy kín. Để ở chỗ ấm trong thời gian 1-2 ngày là có thể dùng được. Chế dịch men phải làm trước 1-2 ngày
- Cách xử lý bột ngô (Trước khi bắt đầu làm đệm lót 5-7 giờ thì xử lý): Lấy khoảng 2 lít dịch men đã làm trước đó cho vào 5 kg bột ngô, xoa cho ẩm đều sau đó để ở chỗ ấm
3. Cách làm đệm lót:
Bước 1: Rải lớp chất trấu dầy 30 cm
Bước 2: Tưới đều 100 lít dịch men, sau đó rải đều một phần bã ngô có trong dịch men lên trên mặt lớp trấu
Bước 3: Tiếp tục rải lớp mùn cưa lên trên lớp trấu, vừa rải vừa phun nước sạch và phải dùng cào đảo để cho mùn cưa ẩm cho đến khi đạt độ ẩm trên dưới 30%. Thử bằng cách: Quan sát thấy mùn cưa thấm nước trở nên sẫm mầu, bốc mùn cưa trên tay nắm chặt lại có cảm giác nước hơi thấm ướt ra tay nhưng hạt mùn cưa vẫn tơi rời là được. Độ dầy lớp mùn cưa là 30 cm
Bước 4: Rải đều 5 kg bột ngô đã xử lý lên trên mặt lớp mùn cưa
Bước 5: Rắc đều hết phần bã ngô lên bề mặt đệm lót, sau đó tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên lớp mùn cưa
Bước 6: Lấy tay xoa đều lên toàn bộ bề mặt lớp mùn cưa
Bước 7: Đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt hoặc bằng ni-lon.
Bước 8: Để lên men 3-5 ngày. Bới sâu xuống 30 cm thấy ấm nóng là có thể dùng được
Sau khi lên men kết thúc: bỏ bạt phủ, cào cho lớp bề mặt (sâu khoảng 20 cm) cho tơi, để thông khí sau 1 ngày mới thả lợn.
Chú ý: Dù làm với bất cứ loại nguyên liệu nào thì cũng cần phải làm thành hai lớp để xử lý men trên hai lớp đó như hướng dẫn
Nếu thực hiện tốt vấn đề quản lý và bảo dưỡng như đã nêu ở trên thì thời gian sử dụng đệm lót có thể duy trì trong thời gian trung bình là 3 năm
II. Những điều cần chú ý trong sử dụng và bảo dưỡng
1. Đưa lợn vào chuồng
Trước khi thả có thể nhặt phân lợn từ đàn cần thả bỏ vào rải rác một số nơi trên đệm lót để không tạo cho lợn có thói quen thải phân một chỗ.
2. Vấn đề quản lý và bảo dưỡng đệm lót
a. Phải đảm bảo độ ẩm của đệm lót
Luôn giữ độ ẩm ở trên dưới 30%
b. Phải đảm bảo độ tơi xốp của đệm lót
Đệm lót có tơi xốp thì sự tiêu hủy phân mới nhanh do vậy hàng ngày phải chú ý sới tơi đệm lót ở độ sâu trong khoảng 15 cm, đặc biệt ở chỗ độn lót có hiện tượng kết tảng
c. Cần thường xuyên quan sát phân
- Phân phải được vùi lấp tốt do sự vận động của lợn. Nếu phát hiện thấy phân nhiều ở một chỗ cần phải giúp vùi lấp. Nếu lượng phân quá nhiều, không được phân giải hết có thể hót bớt đi.
- Nếu cá biệt có lợn bị bệnh ỉa chẩy nặng thì cần cách ly, chỗ phân lợn bệnh cần rắc vôi (lượng vôi bằng 50% khối lượng phân) hoặc phun chế phẩm men sau đó vùi sâu xuống 30 cm
d. Bảo dưỡng đệm lót
Căn cứ vào mùi đệm lót để xác định nó hoạt động tốt hay không: khi ta ngửi chỉ thấy có mùi của nguyên liệu kèm mùi của phân lên men, không có mùi thối là đệm lót hoạt động tốt.
-Tốt nhất hàng tháng cần phải tiến hành bảo dưỡng như sau: lấy 1kg BALASA N01 (hoặc EM, bioferm..) trộn đều với 2 kg bột khô (cám gạo hoặc bột ngô hoặc bột sắn) , rắc đều lên 40 m2 đệm lót chuồng
- Nếu như trong quá trình nuôi còn phân và mùi thối là lên men không tốt, cần phải làm như sau:
Trong trường hợp có kết tảng và độ ẩm cao phải sới tung đệm lót ở độ dầy 15 cm để cho tơi xốp, sau đó bổ sung thêm dịch chế phẩm men
Nếu nuôi nhiều cần điều chỉnh mật độ lợn nuôi trong chuồng
- Thường thì sau một hoặc 2 đợt nuôi nếu đệm lót bị sụt giảm không còn đủ độ dầy 60 cm mới cần bổ sung thêm chất độn và chế phẩm men.
Nguyễn Thị Thu Trang
Chi cục Chăn nuôi và thú y