Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường
CHĂN NUÔI - THÚ Y

+A =A -A

TUYÊN TRUYỀN THỰC HIỆN AN TOÀN VỆ SINH THÚ Y, ATTP ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIẾT MỔ, KINH DOANH, TIÊU THỤ ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT NHỎ LẺ

Thứ Ba, Ngày 01/10/2024

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh còn tình trạng một số hộ giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thú y và các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chưa ký cam kết với UBND xã (phường, thị trấn).  

Để tăng cường công tác quản lý các hoạt động giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ  sản phẩm động vật nhỏ lẻ đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, ATTP Chi  cục Chăn nuôi và Thú y tuyên truyền các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm một số nội dung như sau:

ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIẾT MỔ

 Hoạt động giết mổ động vật được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, người dân thực hiện hoạt động này bắt buộc phải thực hiện đăng ký với Phòng tài chính - Kế hoạch cấp huyện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh giết mổ. Cở sở giết mổ nhỏ lẻ phải thực hiện ký cam kết với UBND xã và thực hiện đúng các nội dung đã cam kết về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Cơ sở giết mổ cần đảm bảo tốt các nội dung sau:

Về địa điểm: Cơ sở giết mổ động vật và khu vực phụ trợ phải được xây dựng tại địa điểm tách biệt với các nguồn gây ô nhiễm, nguồn độc hại như nhà vệ sinh của gia đình và các hộ xung quanh, chuồng nuôi động vật, nghĩa trang, bệnh viện… nhằm tránh bị ô nhiễm tới sản phẩm. Khu vực phải được thiết kế ở nơi cao ráo, không bị đọng nước, ngập nước.

Về kết cấu nhà xưởng và bố trí sản xuất:

Nhà xưởng phải có kết cấu vững chắc, phù hợp với quy mô giết mổ, bảo đảm quy trình giết mổ theo nguyên tắc một chiều từ khu bẩn đến khu sạch, giữa 2 khu phải cách biệt nhau, có hố hoặc máng chứa chất sát trùng để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm chéo mầm bệnh, thuận lợi cho hoạt động giết mổ động vật và làm vệ sinh.

Nơi nuôi giữ động vật chờ giết mổ phải có đủ diện tích, có mái che, nền sàn được làm bằng các vật liệu bền nhẵn, chống trơn trượt, dễ thoát nước, dễ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

Khu vực giết mổ: Mái, trần nhà được làm bằng vật liệu bền, bằng phẳng, khoảng cách từ sàn đến trần phải đảm bảo thông thoáng, đảm bảo tối thiểu là 3,6m tại nơi tháo tiết, 4,8m tại nơi đun nước nóng và làm lông, 3m tại nơi pha lóc thịt. Cơ sở có dây chuyền giết mổ treo, khoảng cách từ thiết bị treo đến trần hoặc mái ít nhất là 1m. Tường phía trong khu giết mổ được làm bằng vật liệu chắc chắn, bền, chịu nhiệt, nhẵn, chống ẩm mốc, dễ vệ sinh và khử trùng. Chân tường, nơi tiếp giáp giữa mặt sàn và góc cột được xây hay ốp nghiêng; sàn được làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, chống trơn trượt, dễ vệ sinh, thiết kế dốc về phía hệ thống thu gom chất thải, bảo đảm thoát nước tốt và không đọng nước trên sàn. Có hệ thống hút hơi nước ngưng tụ hoạt động tốt.

Nơi làm sạch lòng, dạ dày phải tách biệt với nơi để tim, gan, thận và thịt để tránh làm y nhiễm chéo. Nơi kiểm tra thân thịt lần cuối: được bố trí cuối dây chuyền giết mổ treo hoặc sau vị trí rửa lần cuối để kiểm tra thân thịt, đóng dấu kiểm soát giết mổ trước khi đưa thịt ra khỏi cơ sở.

Cơ sở được bố trí đầy đủ hệ thống bồn rửa tay cho công nhân, bồn rửa và khử trùng dụng cụ giết mổ, bảo hộ lao động tại những vị trí thuận tiện cho việc làm sạch và khử trùng.

Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về trang thiết bị:

Phải có bàn pha lóc (nên là bàn inox hoặc bệ lát gạch men để đảm bảo an toàn cho thực phẩm, thuận tiện vệ sinh, bảo trì), có giá treo đảm bảo thân thịt cao hơn mặt sàn ít nhất 0,3m. Nếu lấy phủ tạng trên bệ mổ, bệ phải cao hơn sàn ít nhất 0,4m.

Dao và dụng cụ cắt thịt được bảo quản ở nơi quy định trong cơ sở giết mổ; được rửa sạch, khử trùng trước và sau khi sử dụng.

Sử dụng chất tẩy rửa để vệ sinh cần có nhãn mác rõ ràng; khu vực giết mổ phải được vệ sinh, thu gom chất thải rắn sau mỗi ca giết mổ và định kỳ khử trùng, tiêu độc. Có biện pháp ngăn chặn và tiêu diệt hiệu quả động vật gây hại.

Thực hiện quy trình giết mổ:

 Bao gồm trình tự, thao tác từ khi gây choáng, lấy tiết, nhúng nước nóng, cạo/đánh lông, rửa, lột phủ tạng, làm sạch, pha lóc đúng kỹ thuật, bảo đảm ATTP, không bị lây nhiễm chéo vào thân thịt.

Có nhân viên Thú y thực hiện việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định. Tất cả thân thịt, phủ tạng đạt yêu cầu VSTY được đóng dấu kiểm soát giết mổ và các sản phẩm không đạt yêu cầu vệ sinh thú y được xử lý theo quy định.

Về nguyên liệu và các yếu tố đầu vào sản xuất thực phẩm:

Tuyệt đối không đưa động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật đã chết vào giết mổ. Động vật đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, cụ thể như sau: Có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh (đối với động vật có nguồn gốc từ tỉnh khác); có các giấy tờ như hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc các giấy tờ tương đương khác để chứng nhận nguồn gốc.

Nguồn nước cung cấp cho tất cả các hoạt động giết mổ phải đảm bảo vệ sinh;

Về người trực tiếp sản xuất, vệ sinh công nhân:

Người trực tiếp giết mổ phải được khám sức khỏe định kỳ; được cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP; có khu vực thay bảo hộ lao động; có đủ nhà vệ sinh ở vị trí thích hợp; đủ trang thiết bị làm vệ sinh công nhân; thực hiện yêu cầu vệ sinh cá nhân trong cơ sở giết mổ như: Mang bảo hộ lao động, rửa tay bằng xà phòng; không mang trang sức, ăn uống, khạc nhổ,…trong khu vực giết mổ.

Yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm bán ra:

Có sổ ghi chép nguồn gốc, số lượng gia súc, gia cầm được đưa vào cơ sở để giết mổ.

Có sổ ghi chép số lượng thịt gia súc, gia cầm; tên, địa chỉ hộ kinh doanh được cung cấp thịt gia súc, gia cầm.

ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT

Kinh doanh sản phẩm động vật là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên phải đăng ký với Phòng tài chính - Kế hoạch cấp huyện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

- Cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật phải ký cam kết với UBND xã và thực hiện nội dung đã cam kết về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Khi thực hiện kinh doanh sản phẩm động vật, cơ sở cần thực hiện các nội dung sau:

- Về phương tiện bày bán, vật dụng chứa đựng sản phẩm động vật phải được làm bằng vật liệu không gỉ, không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm, dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc;

- Có biện pháp bảo quản thích hợp để sản phẩm động vật không bị mất an toàn thực phẩm, biến chất;

- Địa điểm và vật dụng dùng trong kinh doanh sản phẩm động vật phải được vệ sinh sạch trước, trong và sau khi bán, định kỳ khử trùng, tiêu độc;

- Kho, thiết bị bảo quản sản phẩm động vật phải tuân thủ các quy định theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng;

- Nước thải, chất thải trong quá trình kinh doanh sản phẩm động vật phải được xử lý bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Không kinh doanh, hợp tác kinh doanh các sản phẩm động vật của các cơ sở giết mổ không chấp hành các quy định của pháp luật về giết mổ, giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP, giết mổ động vật không có nguồn gốc rõ ràng, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, giết mổ động vật chết.

ĐỐI VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái khi nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cần lựa chọn các sản phẩm có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, quy trình rõ ràng tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh đảm bảo điều kiện VSTY, vệ sinh ATTP, tẩy chay các sản phẩm của các cơ sở giết mổ, kinh doanh không đảm bảo VSTY, vệ sinh ATTP. Đồng thời, cần thông tin đến lực lượng chức năng khi phát hiện các điểm giết mổ có dấu hiệu vi phạm. Từ đó, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình, góp phần vào ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật cũng như bảo vệ môi trường.

Trên đây là nội dung tuyên truyền về thực hiện an toàn vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. 

Nguyễn Hưng Khánh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y


            



Đánh giá cho bài viết này: Chưa có lượt đánh giá nào


 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 4011395
Số người trực tuyến:165
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 12 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
307.378
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 12 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(92.2 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:1229 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang