Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo vệ sản xuất chăn nuôi, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho lãnh đạo Sở ban hành Văn bản số 2378/SNN-CNTY ngày 28/8/2024 chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024, thời gian phát động thực hiện từ tháng 09 đến tháng 10/2024. Đồng thời tuyên truyền tăng cường công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu Đông
1. Đối với công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc:
Đối tượng thực hiện: Tất cả các cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ sở ấp nở gia cầm; cơ sở giết mổ, chế biến động vật, sản phẩm động vật; chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật; địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán, kinh doanh, chế biến, trang thiết bị, dụng cụ và khu vực xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh, nơi cách ly kiểm dịch động vật; khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật.
Chú ý: Đối với người phun khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp. Hóa chất sát trùng ít độc hại đối với con người, vật nuôi, môi trường; phù hợp với đối tượng khử trùng tiêu độc; có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh. Trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa bằng nước sạch). Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích
Loại hoá chất được sử dụng: Vôi bột, nước vôi, xà phòng, các chất tẩy rửa, các loại hóa chất sát trùng (trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam) theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
2. Đối với công tác tiêm phòng vắc xin:
Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải thực hiện phòng bệnh bắt buộc bằng
vắc xin cho gia súc, gia cầm khỏe mạnh nằm trong độ tuổi tiêm phòng hoặc gia
súc, gia cầm đã được tiêm phòng nhưng hết thời hạn miễn dịch đang chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y. Các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin gồm:
+ Bệnh ở trâu, bò: Tụ huyết trùng, Nhiệt thán, Lở mồm long móng (LMLM), Viêm da nổi cục;
+ Bệnh ở lợn: LMLM, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn;
+ Bệnh ở dê, cừu: LMLM, Nhiệt thán;
+ Bệnh ở gà, chim cút: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu cát xơn;
+ Bệnh ở vịt, ngan: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Dịch tả vịt;
+ Bệnh ở chó, mèo: Dại động vật:
- Trong quá trình chăn nuôi, chủ cơ sở cần chủ động phòng bệnh bằng vắc
xin một số bệnh nguy hiểm khác cho gia súc, gia cầm sau:
+ Ở lợn: Tai xanh (Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn đối với lợn nái và đực giống, Dịch tả lợn Châu Phi (khi có vắc xin hiệu quả).
+ Bệnh ở dê, cừu: Đậu dê;
+ Bệnh ở thỏ: Xuất huyết thỏ;
+ Ở gà: Tụ huyết trùng gia cầm, Gumboro (đối với gà đẻ);
+ Ở vịt: Tụ huyết trùng gia cầm;
Chú ý: Chỉ sử dụng các loại vắc xin đã được cấp phép lưu hành, sử dụng theo chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Thú y, cơ quan chuyên môn và nhà sản xuất