Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường
THUỶ SẢN

+A =A -A

Nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn trong nuôi thủy sản

Thứ Sáu, Ngày 08/07/2022


      Trong nuôi thuỷ sản thương phẩm để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, ngoài lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng thì việc quản lý và sử dụng thức ăn là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế vụ nuôi. Với hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ lớn (từ 60-70%) tổng chi phí đầu tư. Với tình hình hiện nay giá giá thức ăn liên tục tăng đã đẩy chi phí đầu tư lên cao, làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất thủy sản. Đặc biệt trong quá trình nuôi nếu cung cấp thức ăn dư thừa so với nhu cầu của thủy sản sẽ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường nuôi, cá tôm dễ phát sinh dịch bệnh hoặc cung cấp thiếu thức ăn làm thủy sản còi cọc, chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài. Do đó để sử dụng và quản lý hiệu quả thức ăn, trong quá trình nuôi bà con cần thực hiện tốt các biện pháp sau:


      Về quản lý môi trường nuôi


      Môi trường sống của thủy sản là nước nên mọi yếu tố trong môi trường nước thay đổi đều ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển của thủy sản. Nhiệt độ là một trong những yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến chức năng sinh lý và hoạt động của thuỷ sản. Khi nhiệt độ tăng sự tăng trưởng của thuỷ sản cũng tăng lên dẫn đến nhu cầu protein tăng. Theo đặc tính của mỗi loài, chúng chỉ sử dụng và hấp thu thức ăn hiệu quả nhất khi sống trong ngưỡng nhiệt độ thích hợp. Vì vậy, trong quá trình nuôi, cần quan sát tình hình cụ thể của thời tiết để tăng hoặc giảm lượng thức ăn cho phù hợp. Ở nhiệt độ thấp, tôm và cá đều không đòi hỏi lượng thức ăn lớn mà chỉ cần một lượng để duy trì, cho nên cần lưu ý để tránh lãng phí thức ăn.


      Ngoài nhiệt độ, oxy là yếu tố quan trọng trong quản lý môi trường nước nuôi, do vậy trong quá trình nuôi luôn giữ cho hàm lượng oxy hoà tan trong nước luôn đảm bảo để đáp ứng nhu cầu của thuỷ sản. Hàm lượng oxy tối ưu cho cá, tôm phát triển là ≥ 5mg/l, nếu oxy hoà tan trong ao thấp sẽ ảnh đến hô hấp và quá trình tiêu hoá thức ăn dẫn đến tiêu hoá kém, hệ số chuyển hoá thức ăn tăng cao. Vì vậy cần chọn thời điểm cho ăn thích hợp, lúc hàm lượng oxy hoà tan cao; sử dụng thiết bị sục khí trong trong khu vực cho ăn để cung cấp ôxy hòa tan liên tục và ổn định, giúp tăng khả năng tiêu hoá.


      Tốc độ dòng chảy cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn. Nếu tốc độ dòng chảy quá mạnh sẽ làm cho cá, tôm tiêu tốn một lượng năng lượng rất lớn cho quá trình chống lại dòng nước. Tuy nhiên, nếu dòng chảy quá yếu sẽ làm cho chất thải khó được lưu thông, gây ô nhiễm môi trường nuôi. Do vậy cần quản lý tốt lượng chất thải trong quá trình nuôi, hạn chế mầm bệnh phát triển ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá của cá, tôm bằng cách dụng máy quạt nước để gom tụ chất thải; định kỳ xi phông đáy ao để loại bỏ chất thải hoặc sử dụng chế phẩm sinh học (EM, Biofloc 02, Nova NB25,..) để phân huỷ thức ăn dư thừa và chất hữu cơ ở đáy ao tạo môi trường sạch cho tôm cá phát triển.


      Quản lý chất lượng thức ăn và cho cá ăn hợp lý theo giai đoạn phát triển


      Trong nuôi bán thâm canh và thâm canh thì việc chọn loại thức ăn và quản lý tốt lượng thức ăn sử dụng trong ao nuôi có ý nghĩa rất lớn đến sự tồn tại của chất thải hữu cơ vì chất lượng thức ăn kém dẫn đến hệ số chuyển đổi thức ăn cao. Do vậy cần chọn loại thức ăn có độ đạm và kích cỡ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm cá; thức ăn có mùi thơm hấp dẫn; độ tan rã trong nước thấp; thức ăn không chứa tạp chất, nấm mốc,…  Trong quá trình nuôi nên sử dụng máy cho ăn tự động nhằm giảm công lao động, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.

 

      Giai đoạn phát triển thuỷ sản khác nhau thì mức độ cho ăn của các giai đoạn cũng khác nhau. Đối với cá khỏe và môi trường ổn định, giai đoạn cá giống, khẩu phần ăn thường 7 – 10% khối lượng thân, giai đoạn cá thịt khẩu phần ăn là 3 – 5% khối lượng thân. Ở giai đoạn cá giống, cần tăng tần suất cho ăn, 4 – 6 lần/ngày, giai đoạn nuôi thương phẩm, tần suất cho cá ăn 2 lần/ngày; đối với nuôi tôm thâm canh, có thể cho ăn 4 lần/ngày để phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm.

 

 

      Tăng cường khả năng hấp thụ thức ăn cho thuỷ sản

      Duy trì hệ tiêu hoá hoạt động tốt là nền tảng để đạt được năng suất cao trong nuôi thuỷ sản. Do đó trong quá trình nuôi cần bổ sung men tiêu hoá (Bio Probiotic, Pro zyme,..) để ổn định hệ vi sinh trong đường ruột, kích thích sự thèm ăn của tôm cá, hạn chề mầm bệnh và tăng khả năng hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng, rút ngắn thời gian nuôi và giảm hệ số thức ăn.

 

      Cá và giáp xác không có khả năng tự tổng hợp vitamin C mà hấp thu chủ yếu từ thức ăn. Do vậy thường xuyên bổ sung vitamin C cho thủy sản giúp cải thiện tỷ lệ sống, tăng trưởng, tăng cường hệ miễm dịch và giảm stress nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Tùy vào giai đoạn phát triển và đối tượng nuôi khác nhau mà nhu cầu vitamin C cũng khác nhau, do đó cần bổ sung vitamin C theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả./.

 

 

 

 

 

 

 

Phan Thị Quyên


            



Đánh giá cho bài viết này: Chưa có lượt đánh giá nào


 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 4182036
Số người trực tuyến:55
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 5 Năm 2025
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
307.378
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 5 Năm 2025
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(92.2 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:1229 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Hoa Lư, Tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang