Hiện nay, diện tích nuôi cá - lúa tại vùng trũng chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang bước vào vụ nuôi năm 2022. Với tính chất địa hình đặc thù là vùng trũng thấp, một số địa phương thuộc nhánh phân lũ có thời gian canh tác ngắn, thời vụ phụ thuộc vào lũ Tiểu Mãn hàng năm nên sản xuất bấp bênh, hiệu quả canh tác lúa thấp. Từ thực tế đó, với chủ trương định hướng quy hoạch chuyển đổi diện tích trũng thấp đặc thù sang sản xuất thủy sản, một số địa phương đã khai thác tốt tiềm năng lợi thế phát triển hình thức nuôi luân canh lúa - cá nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác. Để nâng cao năng suất, hạn chế thất thoát và dịch bệnh trong canh tác lúa – cá thì người nuôi cần tuân thủ một số biện pháp kỹ thuật như sau:
1. Chuẩn bị ruộng nuôi cá
- Phải có hệ thống cấp thoát nước tốt, có đăng chắn giữ cá không để cá thoát ra ngoài và ngăn chặn cá tạp vào ruộng. Bờ vùng, bờ thửa chắc chắn, không bị xói lở và ngập nước vào mùa mưa, đất ruộng không quá chua phèn.
- Thiết kế ao/mương lưu giữ cá để chủ động đủ lượng cá giống cỡ lớn; đồng thời tạo nơi trú ẩn cho cá nuôi khi nắng nóng kéo dài, hoặc nuôi lưu cá chưa đạt cỡ thương phẩm sang năm sau.
- Gia cố bờ bao đảm bảo chắc chắn. Bờ ruộng phải cao hơn mức nước trong ruộng 0,5m, rộng 0,5m và có đường tràn phù hợp với diện tích vùng nuôi để đề phòng ngập lụt.
- Sau khi thu hoạch lúa, tiến hành tôn cao bờ thửa để chống thất thoát cá, dọn sạch cây rác bẩn và lấp hết hang hốc, tu sửa bờ đảm bảo chắc chắn không bị rò rỉ nước.
- Dùng vôi bột với lượng 50 - 70 kg/sào để diệt mầm bệnh, diệt cá tạp và ổn định pH.
2. Chọn và thả giống
Nuôi luân canh lúa - cá là hình thức nuôi tận dụng diện tích ruộng thấp trũng, thời gian nuôi ngắn do đó yêu cầu con giống đạt kích cỡ lớn. Tùy theo thời gian nuôi để lựa chọn kích cỡ giống thả hợp lý, thời gian canh tác từ 6 – 8 tháng người nuôi có thể tham khảo kích cỡ giống thả như sau: giống cá chép cỡ 200 – 500g/con; trắm cỏ cỡ 500 – 700 gr/con; cá khác (trôi, mè) cỡ > 200 gr/con.
- Tiêu chuẩn cá giống: Chọn giống khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn; kích cỡ đồng đều, không bị xây xát, không mang mầm bệnh. Không nên thả cá trên thân có những đốm trắng hay đỏ, vây bị ăn mòn, vảy bị tróc và có những vết loét.
- Mật độ thả: Tùy thuộc vào điều kiện ruộng nuôi và nguồn nước để chọn đối tượng nuôi chính và mật độ nuôi thích hợp. Có thể thả với mật độ từ 0,2 - 0,4 con/m2.
- Cơ cấu giống: Có thể tham khảo công thức nuôi như sau: Trắm cỏ 40%, Chép lai 25%, Trôi 10%, Mè 15%, Trắm đen 10%.
- Chủ động tích nước đến khi mực nước sâu nhất đạt trên 1,2m tiến hành thả giống. Thời gian thả vào sáng sớm, hoặc chiều mát.
3. Chăm sóc và quản lý
- Việc bổ sung thức ăn quyết định đến năng suất nuôi. Trong quá trình nuôi, ngoài nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trong ruộng, cần bổ sung thêm thức ăn tinh như cám gạo, bột sắn, bột ngô… với lượng từ 2-3% trọng lượng đàn cá; Thức ăn xanh: bèo, cỏ, lá khoai, lá sắn… Tùy vào điều kiện ruộng nuôi, có thể thả bổ sung bèo tấm, bèo hoa dâu trong ruộng tạo thức ăn tự nhiên cho cá.
- Thường xuyên kiểm tra bờ ruộng, đăng chắn, cống cấp và thoát nước. Theo dõi tình hình mưa lũ và mực nước trong ruộng để điều chỉnh thích hợp cho cá phát triển tốt.
- Vào thời điểm giao mùa hay mùa mưa bão là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh phát triển, sức đề kháng của cá yếu dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, nên bổ sung Vitamin C, thuốc Tiên Đắc vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá.
- Theo dõi diễn biến thời tiết, trước khi mưa cần bón vôi quanh bờ để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh và ổn định pH nước nuôi.
4. Thu hoạch
Khi kết thúc vụ nuôi, cần tháo cạn nước trên ruộng để rút cá vào ao/mương để tiến hành thu hoạch. Có thể thu tỉa những con cá đạt kích cỡ thương phẩm, cá chưa đạt cỡ thương phẩm có thể lưu giữ trong ao/mương để làm nguồn cá giống cho vụ nuôi tiếp theo.
Để đảm bảo năng suất sản lượng canh tác lúa – cá, người nuôi cần tuân thủ tốt các biện pháp kỹ thuật nêu trên. Chúc bà con có vụ sản xuất thắng lợi./.
Đặng Thị Thu Trang