Động vật thủy sản nói chung trong đó có cá nước ngọt là loài động vật biến nhiệt, nhiệt độ cơ thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Vào mùa hè, nhiệt độ không khí cao và xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên thủy sản. Để nâng cao hiệu quả phòng và trị bệnh cá trong mùa hè, Chi cục Thủy sản Ninh Bình khuyến cáo người nuôi thủy sản một số biện pháp kỹ thuật như sau:
1. Biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho cá
- Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ trong ngày cao nhất lúc 14-16 giờ và thấp nhất lúc 2-5 giờ. Để tránh hiện tượng cá bị sốc do chênh lệch nhiệt độ ngày đêm, tạo vùng phân bổ mát hơn cho cá trong mùa nóng cần duy trì mực nước trong ao từ 1,5 - 2 m. Tạo vùng mát cho cá bằng cách làm giàn che nắng trên mặt nước (cao hơn mặt nước khoảng 0,7-1 m) ở phía Tây ao bằng lưới đen tản nhiệt, dàn: mướp, bầu, bí, dây leo … làm nơi trú nắng cho cá.
- Sử dụng máy bơm nước, máy quạt nước, máy sục khí thường xuyên trong ao đặc biệt là thời điểm từ 22 giờ đến 4 giờ sáng để tăng lượng oxy hòa tan trong ao.
- Cho cá ăn 2 lần/ngày vào thời điểm 6-7 giờ sáng và 17-18 giờ, thức ăn đảm bảo chất lượng. Vào giai đoạn thời tiết nắng nóng trên 350C, cần chủ động giảm 30 - 40% lượng thức ăn bổ sung cho cá. Chú ý loại bỏ thức ăn dư thừa tránh gây ô nhiễm môi trường nước.
- Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống, kiểm tra cá vào những ngày nắng nóng hoặc thời điểm nhiệt độ trong ngày cao.
- Nắng nóng kéo dài, cường độ chiếu sáng trong ngày lớn ao nuôi dễ phát sinh hiện tượng "tảo nở hoa" làm cá nổi đầu về đêm và sáng sớm. Vì vậy cần theo dõi tình hình thời tiết, trước khi mưa tiến hành bón vôi nông nghiệp (CaMg(CO3)2) xung quanh bờ ao với lượng 10 - 15kg/ha. Sau các trận mưa rào mùa hè cần xả bớt nước tầng mặt, nếu ao nuôi có độ trong thấp (dưới 30cm) và có màu không ổn định cần tiến hành bón vôi 1-2 kg/100m2 ao hoặc sử dụng các loại chế phẩm vi sinh cải thiện chất lượng nước ao theo liều lượng của nhà sản xuất.
- Khi ao nuôi cá có hiện tượng nổi đầu vào thời điểm chiều tối hoặc trưa nắng do thiếu oxy, cần bơm thêm nước sạch vào ao, vận hành tích cực hệ thống máy móc phụ trợ như máy bơm tạo dòng, máy quạt nước, sục khí để tăng lượng oxy hòa tan trong ao.
- Tuyệt đối không xả thải trực tiếp chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi hoặc phân chuồng chưa qua xử lý xuống ao nuôi tránh làm ô nhiễm môi trường nước, phát sinh dịch bệnh cho cá.
- Định kỳ 10-15 ngày bón vôi giúp khử trùng và ổn định môi trường, phòng bệnh cho cá với lượng từ 1-2kg/100m2. Kiểm tra ao, sử dụng các loại chế phẩm sinh học cải thiện chất lượng nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cá phát triển (Zeofish, BKC, VICATO, Biofloc…).
2. Một số bệnh thường gặp trên cá nước ngọt mùa hè
Khi phát hiện cá nuôi trong ao có dấu hiệu bệnh lý, người nuôi cần báo ngay với cơ quan chuyên môn để có biện pháp tư vấn hỗ trợ xử lý. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh trong việc phòng, trị bệnh cho cá nuôi tránh hiện tượng vi khuẩn nhờn thuốc. Đặc biệt, một số bệnh dễ phát sinh vào mùa nắng nóng, người nuôi cần xác định nguyên nhân, loại bệnh cũng như biện pháp xử lý thích hợp tránh bùng phát dịch bệnh, cụ thể như sau:
- Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn: Bệnh thường xuất hiện vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè (tháng 3 - 5), mùa thu (tháng 8 - 10) khi nhiệt độ nước 25 - 300C. Cá bị bệnh có biểu hiện kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt, da cá tối màu và mất nhớt, thô ráp. Thân cá xuất hiện các vết loét có xu hướng ăn sâu vào cơ thể, mắt cá lồi, hậu môn viêm xuất huyết, bụng chướng to, các vây xơ rách, các vây tia cụt dần.
+ Phòng bệnh: Bổ sung Vitamin C vào khẩu phần ăn hàng ngày của cá trước mùa bệnh giúp tăng đề kháng cho cá nuôi: Cá giống 4 gam/1kg cá/1 ngày, cá thịt 2 gam/1kg cá/1 ngày, cho ăn 3 ngày liên tục. Ngoài ra, vào giai đoạn chuyển mùa, có thể sử dụng thuốc Tiên Đắc với lượng 50 gam/250kg cá/1 ngày, cho ăn 3 ngày liên tục.
+ Trị bệnh: Thay phân nửa nước ao 2 ngày/1 lần, bón thêm vôi với liều lượng 4-6 kg/100 m nước; Trộn thuốc vào thức ăn với liều lượng: Trên mỗi 1kg thức ăn trộn thêm 0,2 - 0,3g Doxycycline. Mỗi 100kg cá bệnh, cho thêm 1 – 2g vitamin C
- Bệnh xuất huyết do virus ở cá trắm cỏ: Xuất hiện nhiều vào cuối xuân, đầu hè. Cá bị bệnh da đổi màu tối sẫm, khô ráp, cá nổi lờ đờ trên tầng mặt, cá kém ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn. Gốc vây, nắp mang, xoang mang, xoang miệng xuất huyết, mắt lồi nhẹ và xuất huyết, các tia mang nhợt nhạt. Trong xoang cơ thể, gan, thận, lá lách xuất huyết, trong ruột và dạ dày không có thức ăn.
+ Phòng trị bệnh: Bệnh này không có thuốc đặc trị, chỉ có thể dùng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như: cải tạo ao trước mỗi vụ nuôi; trong quá trình chăm sóc quản lý định kỳ 2 lần/tháng bón vôi với lượng 2kg vôi/100m3 nước; vào mùa xuất hiện bệnh cho cá ăn thuốc Tiên Đắc hoặc thuốc KN-04-12 mỗi đợt cho ăn 3 ngày liên tục với lượng: cá giống 400gam thuốc/100kg cá/ngày, cá thịt với lượng 200gam thuốc/100kg cá/ngày. Hoặc cho ăn Vitamin C với liều lượng 30gam/100kg cá/ngày. Cho ăn phòng bệnh liên tục trong mùa phát bệnh.
- Bệnh trùng bánh xe: Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa. Trùng ký sinh chủ yếu ở da, mang, khoang mũi cá. Cá mắc bệnh trên thân cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục; da chuyển màu xám, cá thường nổi thành từng đàn trên mặt nước, cá bơi không định hướng, lật mấy vòng chìm xuống ao rồi chết.
+ Phòng trị bệnh: Giữ môi trường nước nuôi đảm bảo, mật độ ương nuôi hợp lý. Khi cá có dấu hiệu nhiễm bệnh trùng bánh xe, dùng nước muối 2 - 3% tắm cho cá 10 - 15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5 - 0,7 ppm (0,5 - 0,7 g/m3 nước); dùng CuSO4 nồng độ 0,5 ppm rắc đều xuống ao. Xử lý nước ao bằng Vicato với lượng 1 kg/1.500 - 2.000 m3 hoặc BKC 80 nồng độ 500 - 800 ml/m3 lúc trời nắng, xử lý 2 ngày/lần; 3 lần liên tục. Đồng thời tạt Vitamin C để cá tăng sức đề kháng và bổ sung glucan vào thức ăn giúp cá nhanh hồi phục.
Trên đây là một số biện pháp phòng trị bệnh cá nước ngọt mùa hè, khuyến cáo các hộ nuôi trồng thuỷ sản áp dụng nhằm giảm thiểu rủi ro do môi trường và dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế./.
Đặng Thị Thu Trang - Chi cục Thủy sản