Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường
THUỶ SẢN

+A =A -A

QUẢN LÝ CHẤT THẢI TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Thứ Sáu, Ngày 18/08/2023

     Chất thải trong ao nuôi gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thủy sản, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của vụ nuôi. Do vậy quản lý chất thải trong ao nuôi thủy sản là việc làm hết sức quan trọng trong mỗi vụ nuôi. Để đảm bảo môi trường nuôi an toàn, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất bà con cần nắm rõ tác động của chất thải và các biện pháp xử lý như sau:

     Tác động của chất thải

     Chất thải trong ao nuôi phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau và có sự khác biệt giữa các ao nuôi. Chất thải trong nuôi trồng thủy sản có thể là nước thải, bùn thải,..được hình thành chủ yếu do phân tôm, cá; thức ăn thừa, xác của các loại sinh vật, hóa chất,…được sử dụng trong quá trình nuôi. Với một khối lượng lớn các chất thải tích tụ trong ao sẽ làm tăng lượng khí độc và gây cạn kiệt oxy ở đáy ao khiến vật nuôi bị căng thẳng và dễ nhiễm bệnh. Đặc biệt khi chất thải phân huỷ sẽ làm tiêu hao lượng lớn oxy trong ao, tăng làm lượng CO2, giảm pH, gây khó khăn cho hô hấp của tôm, cá.  Khi chất thải phân huỷ trong điều kiện yếm khí sẽ sản sinh ra các khí độc như NH3, H2S, CH4,… gây stress và ngộ độc cho tôm, cá. Ngoài ra, chất thải cũng chính là nơi phát sinh, tạo ra mần bệnh đặc biệt là các bệnh như hoại tử mang, đen mang, mòn đuôi hay cụt râu,…

     Chất thải tác động đến chất lượng nước, sinh vật tự nhiên và môi trường xung quanh. Nước từ các ao nuôi nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường nước tự nhiên gây ra hiện tượng phú dưỡng làm suy giảm chất lượng nước và mang nhiều mầm bệnh gây ô nhiễm trở lại ao nuôi.

     Các biện pháp quản lý chất thải trong ao nuôi

     Chuẩn bị ao nuôi: Sau mỗi vụ nuôi, đặc biệt là nuôi thâm canh và bán thâm canh lượng chất thải (thức ăn thừa, xác tảo, phù sa,..) tích tụ là rất lớn. Vì vậy, người nuôi cần loại bỏ bùn đáy ra khỏi ao nuôi, xử lý làm sạch đáy ao bằng bơm nước áp lực cao. Đối với những ao nuôi đáy bị nhiễm phèn, người nuôi cần cải tạo ướt, ngâm nước và thau chua liên tục 3-4 lần. Sau khi thau chua, tiến hành bón vôi để khử trùng, tăng pH và hệ đệm trong ao, liều lượng 10-15kg/100m2, vôi được rải đều xuống đáy vào bờ ao; nếu nước bị đục và có váng phèn dùng EDTA để keo tụ váng phèn. Sau khi xử lý nước dùng cám ủ, bột cá hoặc chế phẩm sinh học để gây màu nước ao nuôi. Đặc biệt, đối với những ao nuôi vụ trước xảy ra dịch bệnh cần dùng một số thuốc, hoá chất như Chlorine, thuốc tím, BKC,…để khử trùng, tiêu độc đáy ao nuôi.

     Đối với những ao mới, cần gia cố bờ ao chắc chắn, tránh bị xói lở bờ trong quá trình nuôi. Bố trí hệ thống thoát nước ở giữa ao để thuận tiện cho việc loại bỏ chất thải trong quá trình nuôi. Lắp đặt hệ thống quạt nước ao nuôi hợp lý, đảm bảo chất thải gom tụ ở giữa ao để diện tích đáy ao sạch chiếm tỷ lệ cao nhất. Máy sục khí nên lắp đặt ngay từ đầu vụ để cung cấp oxy cho thuỷ sản nuôi đồng thời giúp phân huỷ các hạt dinh dưỡng dư thừa trong điều kiện hiếu khí từ đó hạn chế hình thành và tích lũy khí độc.

     Quản lý trong vụ nuôi: Từ tháng thứ hai trở đi, lượng bùn đáy và chất thải trong ao nuôi bắt đầu tăng nhanh do sử dụng lượng thức ăn, thuốc, hoá chất tăng. Vì vậy để hạn chế chất thải trong ao, người nuôi cần tính toán chính xác tỷ lệ sống của tôm, cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Chọn loại thức ăn chất lượng tốt, độ tan rã trong nước thấp và sử dụng hợp lý, tránh dư thừa.

     Tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan cho nước ao bằng việc sử dụng hệ thống quạt nước hay sục khí. Sự phát triển quá mức của tảo cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nền đáy và tăng lượng khí độc trong ao nuôi. Vì vậy, trong quá trình nuôi cần sử dụng các loại vôi, khoáng chất và các chế phẩm sinh học (Bio, EM,…) đồng thời thay nước hợp lý để duy trì, đảm bảo cho sự phát triển của tảo.

     Thường xuyên xi phông đáy ao để loại bỏ các chất hữu cơ dư thừa, hạn chế sự phát triển của thực vật phù du tránh hiện tượng tảo nở hoa. Đồng thời giảm sự tích tụ của các khí độc như NH3 và H2S ở đáy ao từ đó cải thiện tăng trưởng và tỉ lệ sống của thuỷ sản nuôi.

     Tăng cường áp dụng các mô hình nuôi thủy sản tiên tiến như mô hình nuôi hai giai đoạn, mô hình nuôi Biofloc, mô hình nuôi tuần hoàn ít thay nước,…để nâng cao năng suất, kiểm soát môi trường, phát triển thủy sản theo hướng bền vững./.

Phan Thị Quyên - Chi cục Thủy sản


            



Đánh giá cho bài viết này: Chưa có lượt đánh giá nào


 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 4185543
Số người trực tuyến:34
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 5 Năm 2025
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
307.378
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 5 Năm 2025
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(92.2 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:1229 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Hoa Lư, Tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang