THUỶ SẢN

+A =A -A

Biện pháp chăm sóc quản lý và phòng, chống nắng nóng cho thủy sản nuôi

Thứ Tư, Ngày 22/06/2022

     

      Hiện nay, nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, có nơi sẽ vượt ngưỡng 41oC. Nắng nóng kéo dài làm thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường nước dẫn đến động vật thủy sản bị sốc, phát sinh bệnh, hoặc có thể gây chết hàng loạt làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nuôi. Để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng cho các đối tượng thủy sản nuôi, trong quá trình nuôi bà con cần nắm một số biện pháp chăm sóc, quản lý và phòng chống nắng nóng cho thủy sản như sau:

 

        1. Đối với hộ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản

 

       - Bố trí ao, bể nuôi có điều kiện tốt nhất, bổ sung nước thường xuyên cho ao, bể nuôi. Làm mái che, phủ lưới đen để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp xuống bể, ao nuôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thủy sản.

 

         - Với ao ương, đảm bảo bổ sung nước thường xuyên; thả nuôi với mật độ phù hợp, định kỳ dùng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường. Điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng giống thủy sản. Những ngày nắng nóng cao điểm không nên đánh bắt hay vận chuyển giống thủy sản.

 

 2. Đối với ao, ruộng nuôi

 

* Đối với ao nuôi cá

 

- Ao nuôi duy trì mực nước từ 1,5 m trở lên để hạn chế sự biến động nhiệt độ, pH trong ao nuôi.

 

- Sử dụng thức ăn đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thủy sản. Thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản. Giảm khẩu phần ăn xuống 40-60% vào những ngày nắng nóng.

 

- Sử dụng các thiết bị tăng cường oxy như: Máy quạt nước, máy sục khí, máy phun mưa để tuần hoàn nước, tăng hàm lượng oxy hòa tan trong ao và giảm các khí độc trong ao. Định kỳ sử dụng vôi bột với lượng 7-10 kg/1000m3 nước và chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước ao nuôi và phòng bệnh cho thủy sản.

 

- Trong quá trình nuôi khi phát hiện thủy sản có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ nhiễm bệnh, hoặc có hiện tượng chết trong ao nuôi phải báo cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn và xử lý kịp thời, tránh hiện tượng lây lan bệnh trong vùng nuôi. Tuyệt đối không xả nước chưa qua xử lý hoặc thủy sản chết ra ngoài môi trường.

 

* Đối với ao nuôi tôm

 

          - Kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ, mất nước. Duy trì mực nước thấp nhất từ 1,2 - 1,8m để ổn định nhiệt độ nước ao nuôi. Có nguồn nước dự trữ đảm bảo trong ao chứa ‎để cấp nước vào ao khi cần.

 

-  Tăng cường quạt nước cho ao nuôi, nhất là vào thời điểm từ 10 giờ sáng đến 18 giờ để giảm sự phân tầng nhiệt, tăng hàm lượng oxy hòa tan ở tầng đáy và vào ban đêm từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng để tránh tình trạng thiếu oxy trong ao. Sử dụng các loại lưới lam che 1/4 đến 1/2 diện tích ao nuôi để hạn chế nắng nóng chiếu xuống ao.

 

-  ‎Đảm bảo mật độ nuôi vừa phải, phù hợp với điều kiện chăm sóc. Cho tôm ăn thức ăn đảm bảo chất lượng, hạn chế lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi. Bổ sung các Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.

 

 - Định kỳ dùng men vi sinh xử lý đáy ao, kiểm tra lượng thức ăn dư thừa và xi phông đáy loại bỏ các chất thải. Trường hợp tảo phát triển mạnh nên thay một phần nước hoặc dùng vôi, hòa với nước tạt đều trong ao nuôi, tạt vào chiều mát liên tục trong thời gian 3 ngày để diệt bớt tảo, sau đó dùng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường đáy ao nuôi.

 

- Đối với những ao nuôi tôm có biểu hiện bất khác thường, hoặc nghi tôm bị bệnh phải báo ngay với cơ quan chuyên môn để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

 

* Đối với ruộng nuôi: Bờ ruộng cần phải được nén chặt, tránh rò rỉ, thẩm lậu gây thất thoát nước. Cần chủ động nguồn nước cấp để có thể dâng mức nước khi cần thiết. Đào mương và tạo các chỗ trũng làm nơi trú ẩn cho cá vào những ngày nắng nóng kéo dài, sử dụng màng lưới nilon trong mương, ruộng để giảm nắng nóng.            

 

3. Đối với vùng nuôi ngao

 

- Kiểm tra bãi nuôi hàng ngày, định kỳ vệ sinh mặt bãi, tu sửa lưới, tạo sự thông thoáng cho nước triều lên xuống, làm phong phú nguồn thức ăn cho ngao.

 

- Đối với những bãi nuôi có thời gian phơi bãi lâu cần san thưa mật độ để ngao có thể vùi mình xuống sâu, nếu mật độ quá dày ngao bị chồng lên nhau, những con ở trên dễ chết do sốc nhiệt độ. Thu tỉa ngao đã đạt kích cỡ thu hoạch tránh rủi ro do nắng nóng kéo dài gây ra; đối với ngao nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch thì tiến hành kiểm tra mật độ để có kế hoạch chủ động san thưa, đảm bảo mật độ nuôi từ 180-200 con/m2 đối với cỡ ngao từ 400-600 con/kg, dưới 250 con/m2 đối với cỡ ngao từ 500-800 con/kg, 250-350 con/m2 đối với cỡ ngao từ 800-2000 con/kg.

 

- Tuân thủ quy định của cơ quan chuyên môn về mùa vụ thả nuôi, chất lượng con giống. Không nên thả giống ở thời điểm nhiệt độ cao và nắng nóng kéo dài. Khi có hiện tượng bất thường phải báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ứng phó kịp thời.

         

        Trên đây là một số biện pháp quản lý, chăm sóc ao nuôi và phòng chống nắng nóng cho thủy sản nuôi. Kính chúc bà con có vụ sản xuất thắng lợi./.

 

 

 

 

Phạm Thị Phương Thạch


            

 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3709100
Số người trực tuyến:17
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 5 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 5 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn