THUỶ SẢN

+A =A -A

KỸ THUẬT NUÔI ẾCH THƯƠNG PHẨM TRONG LỒNG LƯỚI

Thứ Sáu, Ngày 31/05/2024

 Ếch là đối tượng thủy đặc sản được nhiều hộ nuôi quan tâm đầu tư phát triển do hình thức nuôi đa dạng, thời gian nuôi ngắn, thị trường tiêu thụ dễ dàng,…Hiện nay, mô hình nuôi ếch trong lồng lưới được nhiều hộ quan tâm, mở rộng sản xuất. Để nâng cao năng suất, chất lượng ếch thương phẩm đồng thời khai thác tối đa tiềm năng diện tích đất canh tác, bà con cần nẵm vững quy trình kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm trong lồng lưới như sau:

1. Kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm
1.1. Chuẩn bị ao, lồng nuôi:
Ao nuôi được vệ sinh sạch sẽ, vét bùn, bón vôi, phơi ao, lấy nước vào và xử lý nước. Trong ao đặt lồng nuôi ếch có thể thả nuôi cá (cá rô phi, rô đồng, cá trê,..).
Lồng nuôi nuôi ếch được làm bằng lưới nilon. Kích thước dài 3- 5m, rộng 2- 3m, chiều cao 1-1,2m. Kích cỡ mắt lưới từ 0,5-1cm, tránh dùng mắt lưới > 1cm, ếch dễ bị thất thoát ra ngoài hoặc mắt lưới nhỏ chất thải của ếch sẽ tích tụ, gây ô nhiễm lồng nuôi. Để phòng trường hợp ếch nhảy ra ngoài và phòng địch hại cho ếch như rắn, chim nên lắp nắp lồng ở trên. Trong lồng đặt giá thể (tấm nhựa nổi, bè tre,...) để ếch cư trú và dễ dàng tìm thức ăn. Diện tích giá thể từ 2/3 – 3/4 diện tích lồng nuôi.
Các lồng ếch được đặt ở cách bờ tối thiểu 20cm để đảm bảo nguồn nước ra vào, hạn chế ô nhiễm nguồn nước.
 
Ảnh: Các lồng lưới nuôi ếch trong ao
 
1.2. Chọn giống và mật độ thả nuôi:
Ếch cạnh tranh thức ăn rất cao dẫn đến phân đàn mạnh và ăn thịt lẫn nhau. Nên chọn đàn ếch cùng ngày tuổi và cùng kích thước, ếch khỏe mạnh, màu sắc đậm, không bị xây xát, dị tật. Ếch giống cỡ 20-25g/con. Mật độ thả: 60-80 con/m3
1.3. Chăm sóc và quản lý
- Cho ăn: Sử dụng thức ăn công nghiệp độ đạm từ 25-42% protein. Cho ếch ăn theo 4 định (thời gian, số lượng, chất lượng, vị trí). Thức ăn được rải trực tiếp lên các giá thể đặt trong lồng lưới, tránh cho ăn tập trung một chỗ ếch giành thức ăn sẽ cắn nhau. Tháng đầu cho ăn 7-10% trọng lượng đàn ếch, cho ăn 3 – 4 lần/ngày; từ tháng thứ hai cho ăn 2 - 5%, cho ăn 1-2 lần/ngày.
Ếch ăn mạnh vào lúc chiều tối và đêm nên ban ngày cho ếch ăn ít, tập trung thức ăn vào chiều tối. Định kỳ bổ sung thêm vitamin C với lượng 3-5g/kg thức ăn, tháng cho ăn 1-2 đợt; bổ sung men tiêu hóa với lượng 2-3 g/1kg thức ăn cho ăn 3 ngày liên tiếp, định kỳ 2-3 đợt/tháng để giúp ếch tăng cường khả năng hấp thụ thức ăn và phòng bệnh đường ruột.
- Quản lý lồng nuôi:
Hằng ngày theo dõi mọi hoạt động của ếch: Mức ăn, tốc độ lớn, tình hình bệnh để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra. Ếch thải chất thải nhiều nên dễ làm bẩn nước, cần bổ sung hoặc thay nước ngay khi môi trường nước nuôi xấu, đồng thời vệ sinh lồng nuôi tránh chất thải tích tụ làm giảm lưu thông nước và gây bệnh cho ếch.
Thường xuyên kiểm tra để loại bỏ những con bị chết ra khỏi khu vực nuôi. Tránh tiếng động, tiếng ồn to, đột ngột làm ếch giật mình, căng thẳng dẫn đến bỏ ăn.
 
Ảnh: Kiểm tra, phân loại ếch
 
Trong quá trình nuôi, thường xuyên tách ếch lớn, nhỏ sang từng lồng riêng để dễ chăm sóc, tránh tình trạng con lớn cắn con nhỏ, gây hao hụt về số lượng và chậm lớn. Khi phân loại ếch, dùng vợt dài và bắt những con có kích thước tương đồng sang cùng 1 ô lồng. Chú ý, trong quá trình bắt, cần tránh làm xây xát và làm mất độ nhớt trên da của ếch. 
1.4. Thu hoạch 
Sau thời gian nuôi 4 tháng, trọng lượng ếch đạt từ 250g/con có thể tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch cho ếch ngừng ăn trước 1 ngày.
2. Một số bệnh thường gặp trên ếch
2.1. Bệnh chướng hơi
Bệnh này thường xảy ra ở giai đoạn ếch nhỏ do ếch không tiêu hóa được thức ăn. chứng của bệnh này là bụng ếch căng to, ếch ít di chuyển và vận động khó khăn. 
Để phòng bệnh này, người nuôi ếch cần vệ sinh lồng nuôi, sát khuẩn môi trường nước nuôi ếch và thay nước thường xuyên; chọn thức ăn đảm bảo chất lượng, định kỳ bổ sung các loại men tiêu hóa để tăng khả năng hấp thụ thức ăn cho ếch.
Khi phát hiện ếch bệnh cần ngừng cho ăn từ 1-2 ngày, sát trùng môi trường nước bằng đồng Sunfat (CuSO4) 0,5 - 0,7g/m3. Sau đó, trộn kháng sinh đặc trị vào thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
2.2. Bệnh đường ruột (bệnh kiết lỵ)
Bệnh này gặp ở ếch giống và ếch lớn với những biểu hiện thường thấy là ếch bài tiết ra phân trắng và phân sống, bụng ếch bị trương lên và bơi lội khó khăn.
 Nguyên nhân dẫn đến bệnh này chủ yếu là chất lượng thức ăn kém, ôi thiu. Để điều trị sử dụng Ganidan hoặc Becberin nghiền nát trộn vào thức ăn trong 3-5 ngày. 
2.3. Bệnh phù mắt, quẹo cổ
Ếch bệnh có triệu chứng mắt ếch có mủ ở mí mắt, viêm sưng, có màu trắng đục ở một mắt, rồi lây sang mắt còn lại gây mù cả hai mắt. Bệnh này thường đi kèm với triệu chứng cổ quẹo, thân hơi nghiêng do bị cong cột sống, ếch không bơi mà chỉ xoay tròn hoặc nằm ngửa bụng. Khi ếch bị bệnh này sẽ không bắt mồi được nên chỉ chết sau vài ngày.
Người nuôi có thể phòng bệnh này bằng cách giữ môi trường luôn sạch, cho ếch ăn đủ lượng và chất. Những con ếch đã mắc bệnh phải loại bỏ ngay, đồng thời khử trùng ao nuôi bằng Iodine với liều lượng 5-10 ml/m3. Sau đó thay nước và sử dụng vôi bột hòa vào nước, rồi lấy nước trong tạt đều khắp lồng nuôi với liều 10g/m3 liên tục 3 - 4 ngày.
2.4. Bệnh do nấm
Tác nhân gây bệnh là nấm Achya sp với triệu chứng toàn thân hoặc nách ếch có những búi nấm trắng có thể thấy bằng mắt thường. Bệnh này phòng bằng cách quản lý môi trường nuôi tốt. Khi ếch bệnh có thể trị bằng cách tắm ếch với dung dịch Formalin nồng độ 20 - 25 ml/m3.
Mô hình nuôi ếch trong lồng lưới giúp bà con thuận tiện trong quá trình chăm sóc, chi phí đầu tư thấp hơn so với nuôi bằng bể xi măng, giúp tăng hiệu quả đầu tư trên cùng một diện tích canh tác./.
 
Phan Thị Quyên - Chi cục Thủy sản Ninh Bình
 

 


            



Đánh giá cho bài viết này: Chưa có lượt đánh giá nào


 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 3780072
Số người trực tuyến:23
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 7 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
268.590
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 7 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(100 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:323 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn