Chống khai thác IUU là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành, không chỉ để xuất khẩu hải sản sang EU mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Khai thác IUU bị Ủy ban châu Âu cảnh cáo thẻ vàng, khi đó thủy sản xuất khẩu sẽ bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn, có thể bị từ chối hoặc trả lại, gây tổn thất nặng nề về kinh tế; nếu không khắc phục được khai thác IUU thì sẽ bị cảnh cáo thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc thủy sản sẽ bị cấm xuất khẩu sang châu Âu. Khai thác IUU là mối đe dọa lớn đối với hệ sinh thái biển và sự bền vững nghề cả ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, làm cạn kiệt nguồn thủy sản; trực tiếp ảnh hưởng đến sinh kế, thu nhập, đời sống của ngư dân hiện nay và con cháu mai sau.
Với sự chỉ đạo, điều hành về chống khai thác IUU của tỉnh một cách thường xuyên và quyết liệt. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh, Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định pháp luật của các quốc gia có biển trong khu vực trong lĩnh vực khai thác thủy sản và tình hình an ninh, trật tự trên biển, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về ý thức tôn trọng, chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực về khai thác thủy sản trên biển.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định về chống khai thác IUU và Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản như phát sổ tay, tờ rơi các văn bản liên quan đến chống khai thác IUU, những điều chủ tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển cần ghi nhớ, những chế tài xử lý được quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP.
Thông qua buổi tuyên truyền đã giúp ngư dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ những quy định về biển, đảo Việt Nam; phạm vi hoạt động, đánh bắt thủy sản hợp pháp trên biển đối với ngư dân và pháp luật của một số nước lân cận có đường biên giới trên biển Việt Nam liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm đối với ngư dân và tàu cá nước ngoài; công tác bảo hộ ngư dân khi bị nước ngoài bắt giữ và một số thông tin chủ yếu về Qũy Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020; Nghị định số 71/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Từ đó, ngư dân tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác, đánh bắt, đặc biệt là thực hiện tốt các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để chung tay cùng các cấp, các ngành, các lực lượng gỡ bỏ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản của nước ta.
Một số hình ảnh hoạt động
Phạm Đình Trọng - Chi cục Thủy sản