Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường
THUỶ SẢN

+A =A -A

Biện pháp Kỹ thuật quản lý Thủy sản trong mùa Đông

Thứ Sáu, Ngày 29/11/2024
 Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh ở khu vực phía Bắc trong khoảng thời gian từ tháng 12/2024 đến tháng 02/2025, gây ra các đợt rét đậm, rét hại, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía Bắc còn xuất hiện hiện tượng sương muối, băng giá làm nhiệt độ không khí giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của thủy sản nuôi.
      Để đảm bảo ổn định tình hình sản xuất thủy sản, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của không khí lạnh và bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình có văn bản số 3490/SNN-TS ngày 28/11/2024 chỉ đạo UBND các huyện/thành phố và đơn vị chức năng phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ thủy sản mùa đông năm 2024. Trong đó, thực hiện công tác giám sát vùng nuôi, quản lý, chỉ đạo hoạt động Nuôi trồng thủy sản vụ đông năm 2024, giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại đối với sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các biện pháp kỹ thuật quản lý, chăm sóc và phòng chống rét cho động vật thủy sản. Các biện pháp kỹ thuật cụ thể như sau:

1. Đối với hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản

Chuẩn bị các điều kiện lưu giữ giống qua đông: chọn ao kín gió, có diện tích từ 300-500m2, ao có hình chữ nhật, hướng Bắc - Nam. Có nguồn nước sạch, cấp và thoát nước dễ dàng, dễ gây màu, chất đáy tốt. Bờ ao phải chắc chắn, không để bờ ao rò rỉ mất nước làm ao cạn, phải luôn giữ mực nước trong ao trên 1,5m, tốt nhất là từ 2 - 2,5m. Các yếu tố thuỷ lý, thuỷ hoá ao nuôi phù hợp với sự phát triển của các đối tượng nuôi: pH >7, Oxy hoà tan > 5mg/l.

Để đối phó với các đợt rét đậm, rét hại cần có kế hoạch đưa đàn tôm cá lên hệ thống bể, chủ động các biện pháp chống rét như: Dùng tre nứa làm khung và phủ bạt nylon che trên mặt bể để chắn gió, tăng khả năng giữ nhiệt; Khi cần thiết có thể nâng nhiệt độ nước lên trên 200C, bằng hệ thống nâng nhiệt (than, điện…), chú ý không gây sốc cho tôm cá.

Thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình thời tiết, vào những ngày thời tiết rét đậm tuyệt đối không kéo cá giống, tránh xây xát làm cá dễ nhiễm bệnh.

Tăng cường chăm sóc vào những ngày thời tiết thuận lợi, bổ sung thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, định kỳ trộn vitamin C và khoáng chất vào thành phần thức ăn để tăng khả năng chống chịu với thời tiết lạnh kéo dài. Ngoài ra, cần định kỳ dùng các chế phẩm sinh học để quản lý chất lượng nước và phòng bệnh cho thủy sản.

2. Đối với hoạt động Nuôi thủy sản thương phẩm

         Thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm cần có phương án thu hoạch trước khi bước vào mùa đông để hạn chế thiệt hại khi xuất hiện thời tiết cực đoan (rét đậm, rét hại), đặc biệt là các loài thủy sản có khả năng chống chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá lóc, ba ba, cá vược, cá chim vây vàng...

          Đối với thủy sản nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm: Người nuôi cần theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, đối với những ngày thời tiết diễn ra các đợt rét đậm, rét hại cần chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng chống rét cho con nuôi thủy sản như sau:

        - Hạn chế các hoạt động gây sốc/stress cho thủy sản như: kéo lưới, đánh bắt, vận chuyển…để tránh làm cá yếu và giảm nguy cơ nhiễm bệnh tác nhân cơ hội.

          - Duy trì mực nước ao/bể nuôi đảm bảo độ sâu 1,5 - 2,0 m, mực nước khu vực lồng nuôi từ 2,0 – 3,0 m nhằm ổn định và tránh biến động đột ngột nhiệt độ nước nuôi. Di chuyển lồng bè đến khu vực ít gió. Với các cơ sở nuôi tôm vụ đông, ngoài duy trì mực nước trong ao/bể phù hợp cần có các biện pháp chống rét như nhà bạt che phủ ao nuôi, hệ thống quạt nước, sục khí, trang thiết bị phụ trợ đồng bộ, đảm bảo tôm có thể sinh trưởng phát triển được khi nhiệt độ bên ngoài môi trường xuống dưới 15oC.

          - Đảm bảo cung cấp đầy đủ, sử dụng thức ăn có chất lượng cao, bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng. Tính toán lượng thức ăn phù hợp để tránh dư thừa gây ảnh hưởng đến chất lượng nước ao nuôi. Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 150C thì ngừng cho ăn, tranh thủ các thời điểm nắng ấm trong ngày để cho cá ăn.

          - Định kỳ dùng CaO bón xuống ao nuôi 2-3 kg/100 m3 nước hoặc một số hóa chất được phép sử dụng trong nuôi thủy sản (như TCCA, BKC, Chlorine...) theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất để khử trùng nước ao/bể nuôi, phòng bệnh cho thủy sản nuôi. Riêng đối với lồng nuôi, treo túi vôi hoặc hóa chất khử trùng ở đầu dòng chảy để khử trùng nước, phòng bệnh cho thủy sản nuôi.

- Đối với ruộng nuôi cá lúa: Đảm bảo mức nước trong ruộng nuôi trên 1,5m. Có thể tạo các sọt rơm làm nơi tránh rét cho thủy sản bằng cách tạo một góc ruộng nuôi sâu về phía Bắc, dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt, cắm cọc đơm sọt xuống đáy ao. Đặc biệt lưu ý, sau khoảng 10 – 15 ngày rơm rạ bị phân hủy, cần vớt bỏ tránh gây ô nhiễm môi trường ruộng nuôi.

- Đối với các đối tượng thủy đặc sản (lươn, chạch, ếch): Làm hang trú ẩn bằng đất hoặc dùng các ống nhựa, ống tre, có một đầu rỗng, chiều dài ống 0,5 - 0,6m, đường kính 0,15 - 0,16m, bó thành từng bó để thủy sản chui vào trú ẩn. Ống đặt ở góc hoặc thành bờ ao, trên ống dùng rơm rạ phủ để chắn gió. Nếu nuôi trong bể xi măng dùng bạt hoặc túi nilon phủ kín mặt bể tránh rét cho thủy sản.

- Vùng nuôi Ngao: Tăng cường kiểm tra bãi ngao, khi thủy triều rút kịp thời vệ sinh mặt bãi, đăng chắn, loại bỏ rác và xác động vật chết tránh ô nhiễm môi trường, tạo sự thông thoáng, làm giàu nguồn thức ăn cho ngao. San phẳng đáy tại bãi ngao, khai thông các vùng nước đọng nhằm tránh hiện tượng ứ đọng nước cục bộ kéo dài, độ mặn > 28%o gây ảnh hưởng tới sinh trưởng của ngao nuôi. Không nên thả ngao giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi, duy trì mật độ nuôi phù hợp: mật độ nuôi 180-200 con/m2 đối với cỡ giống thả nuôi 400-600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ nuôi từ 500-800 con/kg; 250-350 con/m2 đối với cỡ giống từ 800-2.000 con/kg.

 Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu phát hiện hiện tượng thuỷ sản bị chết bất thường cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Phối hợp thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để làm cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân khôi phục sản xuất theo quy định.

            Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật quản lý thủy sản trong mùa đông. Khuyến cáo các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh triển khai áp dụng nhằm chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại, đồng thời đảm bảo sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi, duy trì ổn định sản xuất./.

Đặng Thị Thu Trang - Chi cục Thủy sản


            



Đánh giá cho bài viết này: Chưa có lượt đánh giá nào


 CÁC TIN KHÁC

LỊCH LÀM VIỆC - GIẤY MỜI
VIDEO
VĂN BẢN MỚI
TÌM KIẾM
LIÊN KẾT WEB
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người truy cập: 4011015
Số người trực tuyến:60
KÊNH TƯƠNG TÁC SỐ
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ
Đến tháng 12 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
307.378
Văn bản qua mạng
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Đến tháng 12 Năm 2024
Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện
100 %
Hồ sơ đúng và trước hạn
(92.2 % hồ sơ trước hạn,
Giải quyết:1229 hồ sơ)

THĂM DÒ Ý KIẾN - BÌNH CHỌN
Theo bạn, trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa đầy đủ các nội dung trong ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình
Chịu trách nhiệm chính: Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Phố 4, đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình
Điện thoại: 02293.871174, Fax:02293.875824, Email: snnvptnt.snn@ninhbinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang